icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

''Tằng cẩu'' và bi hài quanh chiếc mũ bảo hiểm!

Theo VNN

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm là một chủ trương đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, với nhiều phụ nữ dân tộc Thái (Điện Biên), đây lại là điều không đơn giản vì độ "vênh" giữa pháp luật và luật tục...

''Tằng cẩu'' hay ... mũ bảo hiểm?

Ở Điện Biên, Ban ATGT tỉnh qui định 2 tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm là quốc lộ 279 Điện Biên - Tuần Giáo và Quốc lộ 12 Điện Biên - Mường Lay.

Qui định này khi đó đã làm xôn xao dư luận chị em người dân tộc, trong đó có phụ nữ Thái đen.

Phụ nữ Thái đen khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu - tiếng Thái gọi là tằng cẩu. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. Một mặt tằng cẩu thể hiện sự thuỷ chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Khi lấy chồng, người ta tổ chức trang trọng lễ tằng cẩu, người phụ nữ chỉ bỏ tằng cẩu khi chồng chết.

Tuy nhiên, chị em nào không tái giá thì sau khi hết tang họ cũng không bỏ tằng cẩu. Vậy mới nảy sinh một chuyện khó xử: đó là bỏ tằng cẩu thì bỏ phong tục tập quán - điều này đối với chị em dân tộc Thái quả khó chấp nhận. Nhưng nếu không bỏ tằng cẩu thì không thể đội được mũ bảo hiểm! Không đội mũ bảo hiểm sẽ vi phạm Luật giao thông đường bộ và bị CSGT xử phạt!?

img
Tuyên truyền vận động chị em ở bản Ten, xã Thanh Xương (Điện Biên) đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Vậy là, người dân tìm mọi cách để "đối phó" với lực lượng CSGT, phổ biến nhất là mang theo mũ và chỉ đội ở đoạn đường nào lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra kiểm soát!? Từ đây bắt đầu xuất hiện những chuyện bi hài quanh chiếc mũ bảo hiểm. Phụ nữ Thái quan niệm, tằng cẩu càng to càng đẹp. Nên chị em tóc không dài, cũng kiếm cho mình mớ tóc giả, hoặc sợi gai để độn, búi cho nó thật to, nên khi đội mũ bảo hiểm, "cái nồi cơm điện" ấy cứ như quả bóng lúc lắc trên đỉnh đầu. Nói dại, chẳng may chị em có bị tai nạn có lẽ cũng không bảo vệ được cái đầu của mình!

Không riêng gì người Thái đen, ở Điện Biên còn có nhiều dân tộc khác cũng có phong tục phụ nữ búi tóc trên đỉnh đầu như: người Dao, người Mông đỏ, Hà Nhì, Lào, người Khơ Mú… Thậm chí, như người Mông đỏ còn độn và cuốn tóc thành vành có đường kính từ 30 - 50cm. Có lẽ chuyện đội mũ bảo hiểm đối với họ thật không tưởng!

Chính vì vậy, do bà con hiểu biết về luật hạn chế hoặc có hiểu biết luật nhưng không chịu bỏ phong tục nên số vụ vi phạm luật giao thông do không đội mũ bảo hiểm ở những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm còn khá phổ biến.

Thực tế này đã nẩy sinh một vấn đề, đó là độ "vênh" của pháp luật và luật tục là rất lớn. Việc tìm một giải pháp dung hoà là cần thiết, vẫn biết không dễ dàng gì. Thống kê hàng năm của CSGT CA Điện Biên, loại lỗi này chiếm gần 35% các vụ vi phạm được lập biên bản…

Phép vua không... thua lệ làng!

Năm 2006, số vụ TNGT do người điều khiển môtô gây ra ở Điện Biên chiếm hơn 90% tổng số vụ TNGT. Ai cũng giật mình khi biết 98% số người chết trong các vụ tai nạn môtô là do chấn thương sọ não. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục hoặc giảm thiểu bằng cách đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

img
Những chiếc mũ bảo hiểm được chị em đội để đối phó với CSGT, chứ không vì mục đích an toàn

Trung tá Bùi Ngọc La - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Dù rất khó khăn nhưng lực lượng CSGT xác định phải kiên quyết thực hiện Luật và chủ trương Nhà nước. Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm".

Qua số liệu từ phòng CSGT cung cấp, rất mừng là thời gian gần đây việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đối với người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khi các cấp, các ngành chức năng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức của nhiều bà con đã thay đổi. Họ sẵn sàng bỏ tằng cẩu, tự giác đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nếu chị em không cố ý bỏ phong tục tập quán thì chắc chắn từ các bậc cao niên đến những người chồng khó tính nhất cũng có thể chấp nhận.

Chúng tôi đã được dự một buổi tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, trong đó có nội dung tuyên truyền quy định, tác dụng của đội mũ bảo hiểm tại bản Ten, xã Thanh Xương (Điện Biên). Bản Ten là một bản văn hoá, kinh tế phát triển khá toàn diện, bản có 142 hộ gia đình thì có đến gần 70 chiếc xe máy. Nhưng do được tuyên truyền, giáo dục chị em chấp hành Luật giao thông đường bộ nói chung, quy định đội mũ bảo hiểm nói riêng khi tham gia giao thông khá nghiêm túc.

Tại nhà trưởng bản Lò Văn Ún, chị Lò Thị Hoan thay mặt các chị em trong bản phát biểu: "Đội mũ bảo hiểm là qui định chung, cả nước, cả tỉnh thực hiện chứ riêng gì người Thái chúng tôi nên chị em bản Ten sẽ thực hiện nghiêm…".

img
Công an Điện Biên tuyên truyền Luật giao thông cho bà con dân tộc Mông ở xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà

Không dễ gì một sớm một chiều có thể bỏ phong tục tập quán. Nhưng đội mũ bảo hiểm để chấp hành Luật Giao thông đường bộ và quan trọng hơn là bảo vệ tính mạng của chính mình và những người thân thì khi đã hiểu ra bà con dân tộc đều tự nguyện chấp hành.

Nếu ai cũng nhận thức được như chị Lò Thị Hoan và phụ nữ bản Ten thì chắc chắn, TNGT sẽ giảm bớt trên những cung đường Điện Biên. Chuyện chị em phụ nữ dân tộc Thái đội mũ bảo hiểm tưởng như là rất nhỏ, nhưng lại là vấn đề lớn. Bởi nó liên quan đến việc làm thay đổi nhận thức và luật tục của cả một dân tộc. Nhưng cuối cùng, bằng nhiều nỗi lực của cơ quan chức năng, phép vua không thể... thua lệ làng!

Tằng cẩu, người dân có thể tự điều chỉnh (ít nhất là trong lúc tham gia giao thông) để hướng tới một xã hội bình đẳng, không có ngoại lệ và ATGT tốt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo