Sáng 25-6, Trường ĐH Giao thông Vận tải (GTVT) cơ sở 2 tại TP HCM và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 tổ chức hội thảo Nguyên nhân và giải pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hằn lún vệt bánh xe là do yếu tố vật liệu; quy trình trộn bê tông; tải trọng xe; quy trình thiết kế áo đường có tính đến điều kiện khí hậu và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng.
Trong khi đó, theo GS-TS Phạm Huy Khang - Trưởng Bộ môn Đường ô tô và sân bay Trường ĐH GTVT - hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra từ Nam đến Bắc, ở nhiều vùng khí hậu và điều kiện tự nhiên khác nhau như các quốc lộ 1, 3, 5 và 7. Đặc biệt, dọc tuyến Quốc lộ 1 khu vực đoạn từ Hà Nội đến Lạng Sơn, Phủ Lý đến Hà Nam, dù mới được thi công cải tạo, nâng cấp và còn chưa bàn giao hết thời gian bảo hành nhưng mặt đường cũng xuất hiện một số điểm hằn lún vệt bánh xe.
Tại dự án tăng cường an toàn giao thông các quốc lộ phía Bắc, gói thầu số 1 trên Quốc lộ 13, xuất hiện vệt lún nằm cả bên phải và trái tuyến. Càng vào sâu miền Trung, hiện tượng lún xuất hiện phổ biến, nhiều đoạn mặt nhựa xô dạt, tạo thành những “làn sóng” nhấp nhô.
Theo GS-TS Khang, nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe là do lún trong nền đất vì xe vượt tải, dẫn đến ứng suất truyền xuống nền đất quá lớn gây ra biến dạng. Theo đó, cần xem xét lại công tác thiết kế, thu thập số liệu và kiểm chứng phương pháp thiết kế.
PGS-TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT, cho biết qua khảo sát, nghiên cứu, các nhóm chuyên gia của trường đã xác định nguyên nhân gây hiện tượng hằn lún vệt bánh xe là do thiết kế áo đường; chất lượng thi công và điều kiện khai thác mặt đường.
Trong khi đó, theo nhóm tác giả PGS-TS Nguyễn Quang Toản và TS Trần Thị Thu Hà, Trường ĐH GTVT TP HCM, trong khi tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta còn ở mức hạn chế thì Bộ GTVT không nên đánh đổi chất lượng mặt đường lấy tiến độ, truy cứu trách nhiệm đến cùng và có hình phạt nghiêm khắc đối với tất cả những cá nhân, tổ chức liên quan đến các công trình bị hư hỏng…
Một số nhà khoa học cho rằng nên sử dụng nhựa có chất lượng cao như nhựa đặc 40/50 cho các đường bê tông thông thường; nhựa polymer III cho đường có lưu lượng xe lớn, đường cao tốc, khu vực có điều kiện khắc nghiệt về thời tiết như nhiệt độ cao hoặc chịu tải nặng.
Tại buổi hội thảo, Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM đề xuất Bộ GTVT gia tăng chất polymer để thêm độ cứng đường nhựa, hạn chế hằn lún. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng chất liệu này giá rất đắt, trong khi điều kiện kinh tế Việt Nam còn khó khăn nên chưa thể sử dụng phổ biến. Do đó, chỉ có thể áp dụng ở những tuyến đường cấp cao, tuyến cao tốc, tuyến đèo dốc... Thay vào đó, cần nghiên cứu, ứng dụng nhựa cơ bản để áp dụng rộng rãi.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ tăng cường kiểm soát tải trọng xe, đánh giá chặt chẽ nhà thầu, chỉ đạo Cục Đăng kiểm kiểm tra kỹ hơn vỏ xe nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp.
Bình luận (0)