Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đến nay chỉ có 7/230 doanh nghiệp (DN) vận tải trong bến giảm giá cước từ khi giá xăng giảm hơn 900 đồng/lít, mức giảm từ 5%-10%.
Giảm ít hoặc không
Lý giải nguyên nhân chậm giảm giá cước vận tải, ông Hải cho rằng từ đầu năm đến nay có khoảng 30 DN tăng giá cước do các loại phí đầu vào tăng. Còn lại, đa số DN vẫn giữ giá vé trong những khi giá nhiên liệu tăng. Do vậy, chỉ những DN đã tăng cước phải giảm để cạnh tranh. Từ lâu, ngoài các hãng trong bến, nhà xe còn phải cạnh tranh với xe dù nên giá vé luôn được DN cân nhắc. Theo ông Hải, chắc chắn có thêm nhiều DN giảm cước để cạnh tranh trong dịp Tết sắp đến.
Còn theo ông Lê Công Tâm, Trưởng Phòng Điều độ Bến xe Miền Tây, mới có 10/129 DN giảm giá cước với mức trung bình từ 4%-10% và chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Theo ông Tâm, nhiều DN cho biết đang tính toán giảm cước cho phù hợp thị trường. Trước đó, Sở Tài chính yêu cầu các DN xem xét giảm giá vé trước ngày 20-11.
Ông Nguyễn Quảng Hải, Giám đốc Mai Linh Express, cho biết sau cuộc họp với Sở Tài chính ngày 17-11, Mai Linh Express sẽ tính toán phương án giảm giá vé. Trước đó, Mai Linh Express đã giảm giá vé một số tuyến như Hà Nội - TP HCM từ 950.000 đồng xuống còn 860.000 đồng/vé từ ngày 1-11.
Ngày 14-11, 2 hãng taxi lớn ở TP HCM là Vinasun và Mai Linh đã thông báo giảm giá cước. Theo đó, Vinasun giảm 500 đồng/km. Mai Linh giảm từ 500 đồng đến 2.000 đồng/km tùy khu vực và loại xe. Trong khi đó, Vinataxi đang xem xét điều chỉnh cước. Theo đại diện hãng này, lâu nay mức cước của Vinataxi vẫn rẻ hơn các hãng lớn từ 500 đồng -1.000 đồng/km.
Còn theo ông Phạm Quyết Chiến, Chủ nhiệm HTX Vận tải du lịch 27-7 (quận 11), qua 4 lần tăng và 9 lần giảm giá xăng, các hãng taxi nhỏ vẫn giữ nguyên cước là 14.500 đồng/km nên đợt này sẽ không giảm. Trong khi đó, từ ngày 1-12 tới, theo quy định, các hãng taxi phải lắp thêm hộp đen, máy in hóa đơn tính tiền, trang bị thiết bị theo dõi an toàn giao thông… làm chi phí đầu vào tăng, dẫn đến khó giảm cước.
Thủ tục phức tạp và tốn kém
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa ô tô Hà Nội, cho rằng nếu giá xăng tăng mà cước vận tải lên ngay là trái pháp luật. Bởi muốn tăng cước phải theo quy định, cụ thể sau 15-20 ngày mới có thể điều chỉnh. “Riêng tuyến cố định, DN không thể tăng giảm cước ngay theo giá xăng dầu bởi thủ tục rất phức tạp và tốn kém. Giá xăng dầu tăng, giảm là bình thường. Nếu mỗi lần giá mặt hàng thay đổi mà điều chỉnh cước vận tải thì DN chỉ có sạt nghiệp” - ông Liên nói.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa ô tô Hà Nội, hầu hết DN taxi ở Hà Nội đã giảm hoặc đang làm thủ tục giảm giá.
Ông Liên cho biết thêm từ cuối năm nay, các HTX vận tải phải mua BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho lái xe. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí đầu vào tăng cao sẽ tác động đến mức cước. Vì vậy, việc giảm cước là hết sức khó khăn đối với DN. “Ngành vận tải không phải sáng mua, trưa bán và chiều có lãi mà phải theo phương án kinh doanh lâu dài. Cho rằng giá xăng giảm nhưng DN vận tải chây ì không giảm cước là không đúng” - ông Liên phân trần.
Tại hội nghị do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức với 150 DN vận tải tham dự, tất cả đồng thuận với chủ trương giảm cước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng DN ở Hà Nội giảm 6%-10% cước như vừa rồi là khá nhiều bởi thời gian qua, giá nhiên liệu cũng chỉ giảm 12%-14%. “Tôi nghĩ cước vận tải giảm 4%-6% là phù hợp” - ông Thanh nói.
Trước thông tin một vài địa phương sẽ xử lý nếu DN không giảm cước vận tải, ông Thanh cho rằng việc này không có chế tài xử lý bởi đây là sự thỏa thuận giữa hai bên. Lãnh đạo một DN vận tải ở Phú Thọ cho biết thủ tục điều chỉnh rườm rà và mất nhiều thời gian nên gần 2 năm nay, giá xăng lên hay giảm, DN vẫn không thay đổi cước.
Bình luận (0)