Nếu được như vậy thì cộng đồng DN, với hơn 500.000 công ty hiện nay, sẽ thật hân hoan! Nỗi ám ảnh thanh tra, kiểm tra triền miên sẽ dần được cởi bỏ. DN sẽ nhẹ gánh tinh thần và ít bị hao tổn vật chất hơn để tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển lâu dài.
Theo Nghị quyết 35, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu DN, tức là trong 4 năm tới phải có thêm hơn 400.000 DN nữa; khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48%-49% GDP; năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm…
Để thực hiện mục tiêu, Nghị quyết 35 nêu 10 nguyên tắc, trong đó có những nguyên tắc rất thực tế, như: Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo, lấy DN làm đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển…; nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực... Và nguyên tắc rất quan trọng, được nhắc lại nhiều lần trong nghị quyết, là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”.
Từ đó, có thể thấy Chính phủ quyết tâm rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu kiến tạo và phục vụ. DN phải là đối tượng được nhà nước phục vụ chứ không phải ngược lại.
Tư duy này, so với nhiều nước tiên tiến, là không mới song đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng bậc nhất là phải làm sao hiện thực hóa cho được tư duy ấy, ý chí ấy càng sớm càng tốt.
Các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực thực thi ngày càng nhiều trong lúc năng lực cạnh tranh của DN Việt nói chung chưa được cải thiện bao nhiêu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tính toán chi phí chính thức và phi chính thức mà DN đang gánh lên tới 40% tổng số lợi nhuận - mức rất cao so với thế giới. Trong khi năng lực cạnh tranh của DN là nền tảng của cạnh tranh quốc gia mà chi phí “ăn” hết vào lợi nhuận của DN thì họ còn đâu sức lực để ra biển lớn; đất nước lấy thế mạnh nào để cạnh tranh trong sân chơi hội nhập toàn cầu?!
Vì thế, vào lúc này, điều DN cần trước tiên là được tiếp sức bằng nhiều cách, trong đó giảm tối đa các thủ tục hành chính, như thanh tra, kiểm tra chỉ 1 lần/năm. Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa - một giải pháp tăng lực cho DN…
Những cách hỗ trợ rất cụ thể, thiết thực kiểu như vậy cần sớm được đưa vào thực tế nhiều hơn, tránh tình trạng nói suông. Chính phủ vì DN tức là Chính phủ phải hoạt động với tinh thần của DN: Luôn đổi mới và hướng tới sự hiệu quả. Chuyển từ Chính phủ điều hành sang Chính phủ kiến tạo phát triển chính là bước quan trọng trong quá trình cải cách thể chế kinh tế.
Bình luận (0)