Trả lời báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sau phiên họp thường kỳ tháng 6-2011 ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tập trung kiềm chế lạm phát
* Phóng viên: Xin Thủ tướng cho biết đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2011?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong năm 2011. Sau 6 tháng nỗ lực thực hiện, chúng ta đã đạt được một số kết quả tích cực.
Mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Thị trường ngoại tệ và vàng được quản lý, kiểm soát có hiệu quả, tỉ giá ổn định; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng; lãi suất ngân hàng đã từng bước được kiểm soát, tính thanh khoản của ngân hàng có bước cải thiện.
Xuất khẩu tăng trên 30%, nhập khẩu được quản lý chặt hơn, nhập siêu 6 tháng giảm còn 15,72%. Việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách và cắt giảm đầu tư công được thực hiện nghiêm túc cùng với việc thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã đưa tổng vốn đầu tư xã hội giảm còn 38,3% GDP so với mức 45,6% cùng kỳ năm 2010.
Thu ngân sách đạt trên 55% dự toán năm, tăng gần 23% so cùng kỳ, bảo đảm nhu cầu chi. Mức bội chi ngân sách 6 tháng bằng 23% mức bội chi kế hoạch cả năm. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kinh tế vẫn tăng trưởng 5,57% so với cùng kỳ là một nỗ lực rất lớn của cả nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo chí
sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ ngày 1-7. Ảnh: TTXVN
Trong 6 tháng cuối năm, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải được tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả; kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15%-16%.
Nâng cao chất lượng và hướng tín dụng vào việc phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp và sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản, không để đổ vỡ, tiêu cực…
* Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xin Thủ tướng khái quát những nét nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại nửa năm qua?
- Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo các công tác này. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, ổn định chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Chúng ta đã kiên quyết thực hiện các giải pháp thích hợp để bảo đảm an ninh trật tự ở huyện Mường Nhé và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được tổ chức thành công tốt đẹp.
Thời gian tới, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trọng yếu và có ý nghĩa rất đặc biệt quan trọng này của đất nước.
* Xin Thủ tướng cho biết những định hướng cơ bản để phát triển nền kinh tế trong thời gian tới?
- Trong khi phải tập trung sức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011, chúng ta phải triển khai thực hiện những giải pháp có tính cơ bản, lâu dài để bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.
Phải khẩn trương thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đây là đòi hỏi khách quan vừa cơ bản vừa cấp thiết của quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau chung sức đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện với quyết tâm cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2011, tạo tiền đề để phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Chiều 1-7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết việc điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) dịp này nằm trong lộ trình tăng lương giai đoạn 2008-2012 đã được Chính phủ thông qua. Hằng năm, Chính phủ đều điều chỉnh lương theo thông lệ: công bố thông tin vào tháng 10 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1 năm sau. Tuy nhiên, trước việc lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của người lao động, Chính phủ điều chỉnh LTT từ ngày 1-10 thay vì ngày 1-1-2012. “Việc điều chỉnh tăng lương trước 3 tháng so với lộ trình là do tình hình thực tế thu nhập của người lao động, người làm công ăn lương giảm sút” - ông Huân cho biết.
Điểm mới nhất là việc tăng LTT khối doanh nghiệp ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước sẽ có một mức chung, thống nhất cả nước. Dự kiến, mức lương vẫn phân chia thành 4 vùng với các mức như sau: Vùng 1: 1,9 triệu đồng; vùng 2: 1,73 triệu đồng; vùng 3: 1,55 triệu đồng; vùng 4: 1,44 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Chính phủ có đồng ý với đề nghị nới lỏng tín dụng cho bất động sản của Bộ Xây dựng mới đây không, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: “Bộ có báo cáo về tình hình bất động sản gửi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhưng không hề đề nghị nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản!”. Về việc có nhiều quan ngại rằng thị trường bất động sản mất khả năng chi trả, thậm chí có thể “vỡ bong bóng”, ông Nam khẳng định bất động sản không có khả năng “vỡ bong bóng” mà chỉ “xì hơi” một chút.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ đã thông qua phương án do Bộ Tài chính xây dựng để trình Quốc hội trong tháng 7. Theo đó, sẽ mở rộng đối tượng dãn thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, miễn thuế cho những người có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng, cũng như các trường hợp chuyển nhượng chứng khoán và được chia 5% cổ tức trở xuống.
Về vụ 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL ban hành đáp án chấm thi tốt nghiệp THPT khác với đáp án của bộ, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã đề nghị các địa phương xử lý các cá nhân có liên quan. “Với tư cách là bộ trưởng, tôi nhận trách nhiệm vì để xảy ra vụ việc trên” - ông Luận nói.
Nguyễn Quyết |
Bình luận (0)