UBND TP HCM vừa trình HĐND TP xem xét, thông qua phương án thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở TP (gọi chung là đăng ký xe). Tờ trình này sẽ được HĐND TP xem xét tại kỳ họp thứ 18 dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 30-7 và nếu được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1-9-2015.
Điểm đáng chú ý là cùng với đề xuất mức tăng đối với xe máy từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng (tùy phân khối) còn có phương án đề xuất mức lệ phí đăng ký xe tăng từ 2 triệu đồng lên đến 11 triệu đồng đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Mật độ ô tô tại khu vực TPHCM quá dày, thu phí ô tô có thể là giải pháp khả thi để hạn chế ùn tắc. Ảnh: T.THẠNH
UBND TP HCM cho rằng việc đưa ra phương án tăng phí như trên căn cứ theo Thông tư 127 của Bộ Tài chính. Mức tăng phí được UBND dựa trên giá trị trung bình giữa mức thu cao nhất và mức thu thấp nhất áp dụng cho TP HCM và Hà Nội. UBND TP cũng nêu rõ nguyên tắc xây dựng các mức thu mới phải phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân TP vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan và góp phần giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Tuy vậy, ngay sau khi UBND TP trình HĐND TP phương án tăng lệ phí đăng ký xe mới, giới chuyên môn cho rằng không phù hợp thực tiễn và sẽ khó có thể đạt các mục đích đề ra. Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc UBND TP HCM tăng phí đăng ký, cấp biển số đối với các phương tiện trên chỉ nhằm mục đích duy nhất là tăng nguồn thu ngân sách cho TP. Còn nói việc tăng phí để bảo trì đường bộ thì chưa thuyết phục bởi hiện nay, người dân sử dụng phương tiện cá nhân đã “cõng” quá nhiều loại phí.
Ngoài ra, theo chuyên gia Phạm Sanh, cũng không chắc chắn rằng sau khi tăng phí đăng ký và cấp biển số thì đường sẽ tốt hơn. Đó là chưa nói đến việc hiện nay ở TP HCM, phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển thì việc tăng phí lên bao nhiêu lần đi nữa thì dù không muốn song người dân cũng phải chấp nhận và như vậy, mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông không đạt được.
Thực tiễn cho thấy 2 năm qua, Hà Nội cũng đã áp dụng mức tăng lệ phí đăng ký xe đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi trở xuống từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng (theo nghị quyết ngày 4-12-2013 của HĐND TP Hà Nội). Chuyên gia Phạm Sanh đánh giá dù mức phí tăng cao hơn so với đề xuất của TP HCM nhưng Hà Nội cũng không thành công trong việc thực hiện mục tiêu đề ra.
“Thực chất, đến nay, bài toán kẹt xe ở Hà Nội cũng không giải quyết được và chất lượng đường sá cũng không được cải thiện bao nhiêu trong khi ô tô cá nhân vẫn ngày càng nhiều” - TS Phạm Sanh nói.
“Không phải là giải pháp cơ bản”
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc tăng lệ phí đăng ký xe của TP HCM và Hà Nội nằm trong lộ trình hạn chế xe cá nhân. Bởi đối với các thành phố lớn, nếu như xe cá nhân nhiều quá thì sẽ làm tắc đường, ùn tắc giao thông.
Trong khi đó, đánh giá về việc tăng phí liệu có giúp giảm kẹt xe hay giảm lượng xe cá nhân hay không, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, lại cho rằng đó không phải giải pháp cơ bản. “Muốn hạn chế xe cá nhân thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải phát triển hạ tầng, giao thông công cộng, có tàu điện ngầm, tàu điện trên cao” - ông Liên nhấn mạnh.
V.Duẩn
Bình luận (0)