Lý lẽ chính được đưa ra là một khi người lao động về hưu ở tuổi cao hơn thì Quỹ BHXH sẽ chi trả lương hưu muộn hơn và khoảng thời gian chi trả, về mặt lý thuyết, cũng được rút ngắn. Áp lực chi trả không cao sẽ giúp cho quỹ không bị mất cân đối giữa thu và chi. Cách làm này được cho là sự vận dụng kinh nghiệm của nhiều nước, nhất là những nước tiên tiến.
Đúng là có những nước đã thành công trong việc bảo vệ Quỹ BHXH nhờ biện pháp kéo dài tuổi lao động. Có nước thậm chí không đặt ra độ tuổi hưu trí bắt buộc, như Úc: Đến một độ tuổi nào đó do luật ấn định, người lao động có quyền nghỉ ngơi và hưởng lương hưu; nếu không thích nghỉ thì cứ tiếp tục làm việc bình thường. Quỹ BHXH không chịu áp lực lớn do việc chi trả lương hưu và luôn dồi dào, từ đó có điều kiện bảo đảm cho người thụ hưởng những phúc lợi tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, hầu hết những nước ấn định tuổi hưu trí cao đều có một điểm chung là dân số không đông và có nhiều việc làm. Việt Nam hiện đang thiếu cả 2 yếu tố đó. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, nếu không được tính toán kỹ, có nguy cơ lợi bất cập hại. Cứ hình dung: Việc kéo dài độ tuổi lao động thì tất yếu sẽ dẫn đến sự phổ biến tình trạng một người giữ một vị trí vị làm trong khoảng thời gian dài hơn. Người lao động trẻ buộc phải tìm một việc làm khác và nếu không tìm được thì sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Quỹ BHXH được tạo ra là để bảo đảm cho những người tham gia sự chăm sóc vật chất cần thiết, đặc biệt là bảo đảm điều kiện sinh sống bình thường trong trường hợp không còn đủ sức lao động để tạo thu nhập. Mặt khác, vấn đề đối với nhà chức trách công - người chịu trách nhiệm tổ chức vận hành quỹ - là làm thế nào để nguồn quỹ luôn được dồi dào. Điều chắc chắn là càng có nhiều người có việc làm thì càng có nhiều thành viên tham gia đóng góp vào Quỹ BHXH.
Suy cho cùng, để giải quyết vấn đề bảo đảm nguồn thu cho quỹ BHXH, đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu đề ra đối với quỹ này, cách tốt nhất và bền vững nhất là tạo ra thật nhiều việc làm chứ không phải là tăng tuổi hưu. Nói cách khác, cần có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; kích thích nhu cầu sử dụng lao động trong các khu vực, ngành nghề. Trách nhiệm chính trong việc xây dựng, thực hiện những chính sách, biện pháp ấy thuộc về nhà chức trách công.
Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ BHXH của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải có biện pháp chế tài mạnh và nghiêm khắc đối với các trường hợp trốn tránh nộp phí bảo hiểm, nợ phí bảo hiểm dây dưa.
Nếu hệ thống luật pháp hoàn chỉnh và hữu hiệu, lại vừa có nhiều việc làm, đồng thời tuổi lao động được kéo dài thì tất nhiên Quỹ BHXH sẽ thu được nhiều nhưng lại chi ít, do đó sẽ luôn có điều kiện nảy nở, tăng trưởng và lớn mạnh; xã hội sẽ được hưởng lợi.
Bình luận (0)