Ngày 23-3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cùng đoàn cán bộ các sở ngành đã thực địa kiểm tra tình hình đời sống người dân khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B, thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Nợ phí bảo trì, tiền trả góp
Khu dân cư TĐC Vĩnh Lộc B được thực hiện từ năm 2005, trên diện tích khoảng 30 ha gồm 529 nền nhà phố liên kế và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ. Theo ông Lý Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh - đơn vị quản lý vận hành khu dân cư TĐC Vĩnh Lộc B, sau thời gian đi vào hoạt động, khó khăn lớn là chi phí quản lý, bảo trì 2% theo hợp đồng đã ký lẽ ra phải hơn 1 tỉ đồng nhưng công ty thực thu chỉ hơn 700 triệu đồng. Lý do là nhiều hộ khó khăn không đóng tiền hoặc đóng chậm dẫn đến thiếu hụt nguồn kinh phí quản lý, duy tu.
Cũng theo ông Sơn, đơn vị quản lý còn gặp khó khăn trong việc thu tiền trả góp căn hộ chung cư, do hầu hết các hộ dân TĐC đều là hộ nghèo. Hiện người dân trong khu TĐC còn nợ số tiền khoảng 3,68 tỉ đồng bao gồm cả tiền trả góp nền đất, trả góp căn hộ, tiền thuê căn hộ. “Đối thoại bao nhiêu lần mà dân bảo không có tiền thì cũng chẳng biết giải quyết ra sao nên chúng tôi kiến nghị TP có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân thực sự khó khăn trong chi trả” - ông Sơn kiến nghị.
Về việc này, theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, việc thu kinh phí 2%, thu không đủ vận hành và công trình xuống cấp không có kinh phí duy tu, Sở Xây dựng vừa kiến nghị xin cơ chế sử dụng vốn ngân sách để thực hiện. Cách đây 2 năm, Bộ Xây dựng cũng vào thực địa và đồng tình với TP là sử dụng vốn ngân sách để thực hiện quản lý, bảo trì, chống xuống cấp công trình, sau này khi bán, nhà nước sẽ thu hồi lại.
“Vấn đề nợ tiền trả góp của các hộ dân, không chỉ riêng Bình Chánh mà nhiều quận huyện khác, như quận 8 thu trả góp dài hạn cũng không thu nổi. Do vậy các quận huyện cần rà soát lại từng trường hợp làm cơ sở trình TP để kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho dân” - ông Danh phân tích.
Làm ngay để hỗ trợ dân!
Trả lời các kiến nghị, ông Nguyễn Thành Phong lưu ý các đơn vị có liên quan phải hết sức quan tâm đến đời sống, công ăn việc làm của người dân TĐC. “Ở chỗ cũ ọp ẹp, chật chội hơn nhưng người ta còn bán cà phê để có thu nhập, khi đưa vào chung cư, không dễ dàng để họ buôn bán vặt kiếm sống. Vì vậy việc làm là điều kiện tối cần để người dân an tâm lập nghiệp” - ông Phong nhắc nhở.
Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu Sở Xây dựng phải hết sức quan tâm đến chất lượng công trình, xây nhà TĐC phải giống như xây nhà của mình chứ không phải tâm lý xây cho người ta cái nhà TĐC là tốt rồi nên chẳng cần quan tâm nữa.
“Kinh phí duy tu bảo trì, cần tính toán để sử dụng vốn ngân sách vì nếu để lâu, công trình càng xuống cấp thì chi phí bỏ ra sau này càng nhiều hơn. Nhà không ở thì sẽ xuống cấp, dứt khoát là như vậy, phải có quan điểm toàn diện và giải pháp xử lý khẩn trương, giao cho Sở Xây dựng sớm đưa ra giải pháp theo hướng mà sở đã đề xuất là sử dụng vốn ngân sách để bảo trì” - ông Phong chỉ rõ.
Đặc biệt, để giải quyết nợ tiền trả góp nhà, căn hộ của người dân trong khu TĐC, ông Phong cho rằng có trường hợp chúng ta phải kiên trì đòi nhưng có trường hợp cũng phải nghiên cứu tính toán cơ chế cho phép giãn nợ, hỗ trợ người dân vì họ quá nghèo.
“Người dân buôn bán nhỏ đưa lên tầng 4, 5 thì bán buôn thế nào, lấy tiền đâu để sống, để trả nợ? Cần nghiên cứu nhanh cơ chế hỗ trợ, không chỉ riêng chỗ này mà còn có thể áp dụng chung cho các trường hợp TĐC ở những nơi khác trong TP” - ông Phong đề nghị các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất để lãnh đạo TP xem xét sớm thực hiện.
Xây phòng khám cho khu TĐC Vĩnh Lộc B
Về đề xuất của người dân liên quan đến nhu cầu cần một phòng khám đa khoa cho khu dân cư TĐC Vĩnh Lộc B, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao cho huyện Bình Chánh nghiên cứu đầu tư và kêu gọi xã hội hóa, đến tháng 6 phải có báo cáo. “Nếu làm không nổi thì TP đưa ra phương án khác chứ cứ bảo xã hội hóa, rồi ai cũng hứa mà không làm trong khi dân đang chờ”- ông Phong nói.
Trước đó, khi đến thăm nhà bà Đoàn Thị Lệ Hồng ngụ tại nhà 406 C5 khu dân cư TĐC Vĩnh Lộc B, thấy gia cảnh nhà bà khó khăn, bà Hồng bị khiếm thị từ hơn 20 năm nay, chồng bà chạy xe ôm kiếm sống, ông Nguyễn Thành Phong đã gọi điện trực tiếp cho ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM - yêu cầu quan tâm, tạo điều kiện cho bà Hồng được mổ mắt miễn phí.
Bình luận (0)