Ngày 1-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 với nội dung chủ yếu là công tác xây dựng pháp luật.
Nợ 37 văn bản
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu tại phiên họp Chính phủ đầu tiên (tháng 4-2016) sau khi kiện toàn, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế.
Nhắc đi nhắc lại cụm từ “thể chế”, Thủ tướng nhìn nhận nợ đọng thể chế là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá đã được xác định. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế.
Báo cáo về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình rất đáng lo ngại. Tính đến ngày 31-5, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14, còn nợ 37 văn bản (trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, còn lại là chưa trình). Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa ban hành. Tuy nhiên, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ và phải được ban hành trong nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo nghị định cần xây dựng, ban hành.
Về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết cần ban hành 49 nghị định. Trong đó, tới ngày 31-5 đã trình Chính phủ 35 nghị định, chưa trình 14 nghị định (trong đó, đã thẩm định 10 dự thảo nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo).
Trước báo cáo này, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần thẳng thắn kèm theo danh sách rõ ràng các bộ còn nợ đọng. “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Chính phủ cần tập trung thực hiện với tư cách một Chính phủ kiến tạo. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn gây hậu quả rất xấu trong xã hội, chưa kể tới yêu cầu đổi mới, cải cách trong các nghị định. Chúng ta công khai để rút kinh nghiệm” - Thủ tướng thẳng thắn.
Hậu kiểm là chính
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tất cả nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1-7, không để khoảng trống pháp luật. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này và bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Đặc biệt, các bộ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, người dân và DN đọc là hiểu ngay; đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo tinh thần hậu kiểm là chính; tăng cường giao dịch qua mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. “Tăng cường trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng ký ban hành thông tư, của Thủ tướng ký ban hành nghị định, không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” - Thủ tướng lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phần lớn các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh mới chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ cấp thông tư mà chưa bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp, chưa làm rõ những điều kiện còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Do đó, sau ngày 1-7, phải tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh theo tinh thần đổi mới của Chính phủ.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng đều cam kết trong vài ngày tới, về cơ bản, các bộ sẽ trình Chính phủ đầy đủ những dự thảo văn bản, đặc biệt là dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành các luật như Luật DN, Luật Đầu tư.
Tính minh bạch còn hạn chế
Đi thẳng vào tình hình đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh và cho rằng nguyên nhân rất quan trọng là ở cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và DN. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển. Cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch còn hạn chế, rồi đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ, công chức… còn phải đổi mới nhiều hơn.
Bình luận (0)