Dù đang vào mùa đánh bắt nhưng hàng trăm tàu cá của ngư dân khắp các làng chài ven biển Quảng Ngãi vẫn nằm bờ, thậm chí nhiều ngư dân còn tính chuyện bỏ biển tìm việc khác mưu sinh.
Do giá hải sản liên tục sụt giảm, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ ngư dân nằm bờ vì thu không đủ chi
Chỉ tính riêng tại Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn), trong 49 tàu đánh bắt xa bờ chỉ có 3 tàu đang ra khơi, còn toàn bộ đều neo trú tại các cảng cá. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở một số nghiệp đoàn khác như ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ)… khi ngư dân đều không "mặn mà" ra khơi.
Ngư dân Bùi Văn Phải (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) lo lắng bởi tàu nằm bờ nhiều quá sẽ rất nhanh hư hỏng vì thân tàu không được tiếp xúc với nước. Nhưng ra khơi thì lượng cá đánh bắt được không đủ phí tổn cho mỗi chuyến đi vì hầu hết các loại hải sản đều giảm giá từ 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Trung bình tàu của tôi mỗi chuyến biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về khai thác được trên 15 tấn hải sản các loại. Nếu giá hải sản không sụt giảm, bán kiếm lời cũng được 100 triệu đồng nhưng giờ giá sụt quá!" - anh Phải nói.
Theo nhiều ngư dân, hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tiền dầu theo Nghị định 48 của Chính phủ, ngư dân không nhận được hỗ trợ nào khác khi đánh bắt xa bờ.
"Chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Nghị định 48 ở Quảng Ngãi quy định tàu cá khi hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa bắt buộc phải nhắn đủ 15 tin nhắn về đất liền mới được hỗ trợ. Số lượng tàu cá đông, sóng yếu nên có tàu nhắn tin được, tàu không. Nhiều tàu trở về không được hỗ trợ. Bởi vậy, có trường hợp từ đầu năm đến giờ, tàu đã ra khơi 6 chuyến nhưng chỉ nhắn tin được 3 chuyến, 3 chuyến bị nghẽn sóng nên nản không ra khơi nữa" - ngư dân Nguyễn Văn Trung (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) nói.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, than rằng chưa có năm nào giá hải sản rớt mạnh như năm nay. Đa phần tàu cá ở An Hải chỉ còn đánh bắt gần bờ, rất ít tàu đi xa bờ vì không đủ chi phí.
"Ngoài chuyện hải sản sụt giảm, bà con than phiền về chính sách hỗ trợ theo Nghị định 48 rất nhiều. Một số địa phương khác để được hỗ trợ xăng dầu, ngư dân chỉ cần ra Hoàng Sa hoặc Trường Sa xác nhận với các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, còn Quảng Ngãi quy định phải dùng máy định vị nhắn tin nên rất khó khăn cho ngư dân" - ông Chinh nói.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết điều kiện để được hỗ trợ theo Nghị định 48 là quy định bắt buộc của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thuộc văn bản mật không được công bố rộng rãi nên ông không thể trả lời. Còn việc giá cả hải sản sụt giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tàu cá, nhiều ngư dân nhưng đây là do thị trường quyết định.
Bình luận (0)