xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàu câu mực la liệt nằm bờ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Những tháng qua, hàng trăm tàu câu mực ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… phải nằm bờ do thương lái Trung Quốc giảm nhập loại hải sản này

Tại cảng sông Hàn (Đà Nẵng) vào những ngày đầu tháng 8-2012, hàng chục tàu câu mực vẫn chưa thể ra khơi.

Bán tàu, chuyển nghề

Ông Hồ Văn Đời (ngụ quận Thanh Khê - Đà Nẵng) cho biết từ đầu năm đến nay, tàu của ông chỉ ra khơi một lần nên lỗ gần 500 triệu đồng. Nguyên nhân do mực rớt giá thê thảm, từ 150.000 đồng/kg còn 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí ăn uống và xăng dầu lại tăng cao. “Khổ lắm, tôi bán 360 tấm lưới được 300 triệu đồng, rồi vay mượn thêm hàng trăm triệu đồng để hành nghề câu mực nhưng ai ngờ phải ôm nợ” - ông Đời rầu rĩ.

Thuyền trưởng Hồ Văn Tình (ngụ Đà Nẵng) cũng xót xa khi con tàu với công suất 150 CV của ông ra khơi câu mực được 3 chuyến nhưng đều bị lỗ nặng. Mỗi chuyến ra khơi phải tốn hàng trăm triệu đồng nhưng mực thì liên tục rớt giá nên trung bình mỗi chuyến lỗ từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. “Hiện nay, nhiều ngư dân ở Đà Nẵng đang rao bán tàu câu mực để trả nợ” - ông Tình cho biết.

img

Hàng trăm tàu câu mực nằm bờ tại cảng Quy Nhơn - Bình Định. Ảnh: HỒNG ÁNH

Tương tự, tàu câu mực của ông Trần Văn Tâm (ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn - Bình Định) vẫn đang neo tại cảng Quy Nhơn sau chuyến ra khơi cách đây hơn 1 tháng, lỗ hơn 50 triệu đồng. “Đi là cầm chắc lỗ. Trước đây, giá mực tươi là 22.000 đồng/kg, nay chỉ còn 9.500 đồng/kg” - ông Tâm nói. Theo ông Tâm, Hoài Hương là xã có nhiều tàu câu mực nhất tỉnh Bình Định với hơn 500 chiếc nhưng nay hầu như không còn chiếc nào ra khơi.

Đối phó với tình hình trên, một số chủ tàu câu mực ở Bình Định đã đầu tư thêm lưới để chuyển sang khai thác cá nhỏ gần bờ. “Cũng phải làm để sống và giữ chân bạn (ngư dân làm thuê - PV). Chuyển sang nghề này, mỗi chuyến biển kiếm được chục triệu là mừng lắm rồi” - ông Nguyễn Công Điện (ngụ xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) ngao ngán. Một số chủ tàu câu mực ở Phú Yên do không có vốn đầu tư lưới cụ nên chỉ sắm vài chục lưỡi câu và tận dụng dàn đèn trước đây để câu cá ngừ đại dương. “Cá câu đèn giá vừa thấp lại nhỏ nên chủ yếu lấy công làm lời chứ không có lãi” - ông Đào Trung Du (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa - Phú Yên) than thở.

Mực khô chất đầy nhà

Ngày 2-8, tại cảng An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành - Quảng Nam), rất nhiều tàu câu mực khơi (mực xà) có công suất từ 400 CV - 800 CV phải nằm bờ. Ông Võ Văn Việt (ngụ xã Tam Giang), chủ tàu câu mực,  cho biết chưa thấy năm nào giá mực khơi lại rớt thê thảm như vậy.
Chuyến ra khơi cách đây gần nửa tháng, tàu của ông đánh bắt gần 20 tấn mực khô, cứ nghĩ chuyến này đổi đời, ai ngờ bị thương lái ép giá xuống còn 50.000 đồng/kg. “Nếu 20 tấn mực khô vừa rồi giá như năm ngoái thì tôi có trong tay đến gần 3 tỉ đồng nhưng năm nay chỉ còn khoảng gần 1 tỉ đồng, thua lỗ nặng” - ông Việt phân tích.

Ông Ngô Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành - Quảng Nam, cho biết mặc dù sản lượng đánh bắt so với cùng kỳ năm 2011 cao hơn nhưng do giá mực thấp nên hiệu quả sản xuất của ngư dân không đạt. “Nếu giá mực cứ rớt như thế này, số tàu nằm bờ sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới” - ông Thông nhận định.

Xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn được xem là vựa mực chính của tỉnh Quảng Ngãi. Theo thống kê, trên địa bàn xã có gần 100 tàu công suất lớn chuyên hành nghề câu mực trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi năm đánh bắt khoảng 40.000 tấn mực. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá mực rớt thê thảm nên nhiều chủ tàu đã thả neo vì ra khơi chỉ có lỗ.

Theo ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, hiện việc tiêu thụ mực lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, nếu thương lái nước này không “ăn hàng” thì giá sẽ rớt thê thảm. “Khắp xã Bình Chánh đâu đâu cũng thấy mực khô chất đầy nhưng ngư dân vẫn không thể bán vì giá quá rẻ” - ông Tấn chua xót.

Giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp nước ta quá lệ thuộc vào Trung Quốc là một thiệt thòi cho người lao động. “Tại sao các doanh nghiệp trong nước không nghiên cứu chế biến những sản phẩm thô ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu? Nếu làm được như vậy thì sản phẩm của người dân làm ra mới có cơ hội bán giá cao và nhất là không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài” - ông Hoàng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Nam, nhiều tàu câu mực nằm bờ đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động sẽ không có việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong vùng. “Chúng tôi sẽ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay của ngư dân” - ông Giỏi cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo