Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), hôm 17-12, ban đã thông báo đề nghị các đơn vị không đưa khách đến Hòn Mun trong điều kiện thời tiết xấu do ảnh hưởng của bão Melor. Thế nhưng, tàu KH 0449 của Công ty Du lịch L.C (TP Nha Trang) vẫn chở du khách tham quan.
Hậu quả, tàu KH 0449 bị sóng lớn đánh, nước biển tràn vào khoang gây hỏng máy. Tàu phải thả trôi, thuyền trưởng đành phát tín hiệu cứu nạn. Lực lượng cứu hộ sau đó đã nỗ lực giải cứu 29 du khách Nga và 9 thành viên trên tàu.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc tàu du lịch hỏng hóc, gặp sự cố trên biển không phải lần đầu xảy ra. Trước đó, tại cảng du lịch Cầu Đá (TP Nha Trang), tàu du lịch KH0088 đã bị chìm do nước tràn vào.
Theo ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, ban thường xuyên kiểm tra, cảnh báo các tàu, thuyền khi gặp biển động không nên đưa khách ra vịnh vì cầu cảng Hòn Mun không được tốt. Bên cạnh đó, khu vực biển Hòn Một có một rãnh sâu nên sóng ở đây rất lớn và nguy hiểm.
Cảng du lịch Cầu Đá có khoảng 250 phương tiện chở khách du lịch, kể cả ca nô. Trước khi xuất bến, các phương tiện này phải có đầy đủ giấy tờ đăng kiểm, báo cáo số lượng khách, có cơ số áo phao. Tuy nhiên, chất lượng máy móc, vỏ tàu bè lưu thông như thế nào thì chỉ có chi cục đăng kiểm nắm rõ. Khi biển động, Ban Quản lý vịnh Nha Trang chỉ có thể cảnh báo chứ không có lệnh cấm thì không thể ngăn tàu bè ra biển.
Giải thích về điều này, một công ty du lịch chuyên đưa khách đi vịnh Nha Trang cho biết công ty cũng ý thức được rằng không nên đưa khách đi khi biển động. Tuy nhiên, khách đặt tour không muốn hủy, cũng không có lệnh cấm thì đành phải đi.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Duy Quý, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng việc đăng kiểm tàu do doanh nghiệp, chủ phương tiện đề nghị. Nếu các tàu hết hạn đăng kiểm, chủ phương tiện phải đề nghị đăng kiểm lại để tiếp tục hoạt động theo quy định. Do đó, chi cục không thể biết chính xác được tàu nào còn hạn đăng kiểm, tàu nào quá hạn.
Về việc kiểm tra bảo đảm an toàn trước khi tàu xuất bến, ông Kỉnh cho biết đã có đội liên ngành của TP Nha Trang do một phó trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm đội trưởng. Tuy nhiên, vào các ngày sóng lớn, đội này không tiến hành kiểm tra được vì ca nô không thể ra biển. Ban chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch cắt cử người ứng trực, duy trì phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Theo ông Quý, cảng du lịch Nha Trang có trên 100 phương tiện phục vụ du lịch được đăng kiểm - so với số liệu mà Ban Quản lý vịnh Nha Trang đưa ra có độ vênh nhất định. “Về nguyên tắc, khi tàu rời bến phải được 3 cơ quan kiểm tra, chấp thuận là cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng du lịch và biên phòng. Nghĩa là phải bảo đảm đầy đủ điều kiện như giấy tờ, định biên an toàn, phương tiện cứu hộ, cứu nạn... phương tiện mới được xuất bến” - ông Quý giải thích.
Bình luận (0)