Lúc 15 giờ 10 phút chiều 30-3, tàu hỏa SE8 chạy theo chiều Nam – Bắc, đến Km 18+800 thuộc thị trấn Tía, huyện Thường Tín - Hà Nội đã đâm thẳng vào xe khách 20L-4564 chở 21 người.
Chiếc xe du lịch này đi từ đường thôn Đình Tổ, xã Mễ Sơn, huyện Thường Tín ra Quốc lộ 1A cũ.
Tại hiện trường, chiếc xe bị đâm móp phần đuôi và văng đi một đoạn dài hàng chục mét rồi húc đổ cột đèn tín hiệu của ngành đường sắt. Trong số 7 người tử vong tại chỗ, có 2 thi thể dập nát, mắc kẹt trong xe khiến lực lượng cứu hộ phải mất nhiều thời gian để đưa ra ngoài.
Tài xế xe khách và một đôi vợ chồng cùng con nhỏ ngồi hàng ghế trên chỉ bị thương nhẹ.
Đến 18 giờ cùng ngày, có thêm 2 nạn nhân của vụ tai nạn này tử vong sau khi nhập viện, 4 người khác đang bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Anh Tuấn, một nhân chứng trực tiếp thấy cảnh va chạm, cho biết tài xế khi đó vừa chạy xe vừa nghe điện thoại. Khi chiếc xe rẽ vào ngã ba giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh, tài xế vẫn mải “buôn chuyện”.
Rất nhiều người dân khi phát hiện tàu hỏa lao tới gần đã chạy ra hô hoán, ra dấu hiệu nhưng tài xế đã không quan sát được, dẫn tới hậu quả kinh hoàng.
Một nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: CTV
Trong 2 bệnh nhân bị thương nặng được đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu có ông Lê Nam Thắng (SN 1957) bị chấn thương sọ não, xương hàm mặt và gãy xương đùi.
Ông Thắng cho biết đoàn xe gồm 21 người, đều là người thân trong gia đình đi ăn cưới một người cháu trong họ ở Hà Nội, trên đường quay về Thái Nguyên thì gặp nạn.
Ông Thắng ngồi hàng ghế đầu, sau khi xảy ra tai nạn ông đã bị ngất đi, không biết chuyện gì xảy ra. Trên xe có 4 cháu bé, nhỏ nhất là cháu nội ông Thắng, mới được 8 tháng tuổi. May mắn là cả 4 cháu bé đều chỉ bị thương nhẹ.
“Khi đó lái xe đang nghe điện thoại nên không phát hiện tàu hỏa lao đến” - ông Thắng khẳng định trước khi được đưa đi xét nghiệm, phẫu thuật.
Nữ nạn nhân trong vụ tai nạn đang hôn mê tại Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: CTV
Ban An toàn giao thông đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đây là đoạn đường ngang dân sinh có hệ thống cảnh báo tự động và các thiết bị vẫn hoạt động bình thường khi xảy ra tai nạn.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, tối cùng ngày, Công an huyện Thường Tín đang lấy lời khai của những người liên quan, trong đó có lái tàu Đỗ Xuân Phong. Chiếc hộp đen trên tàu hỏa sẽ là căn cứ quan trọng để xác định vận tốc chính xác của đoàn tàu vào thời điểm gây ra tai nạn.
Hiện Công an huyện Thường Tín cũng đang xem xét khởi tố vụ án nói trên.
Liên tiếp tai nạn đường sắt 3 tháng đầu năm
• Khoảng 15 giờ ngày 23-3, tàu lửa SE7 lưu thông tuyến Hà Nội – TPHCM tông chết hai nữ công nhân đi xe máy tại phường Long Bình, TP Biên Hòa – Đồng Nai. Tàu lửa đã kéo lê hai cô gái đi một đoạn hơn 15 m và nghiền nát chiếc xe máy.
• Ngày 21-3, do thiếu quan sát khi băng qua đường sắt, chiếc xe máy chở anh Nguyễn Phú Hoàn và một phụ nữ bị tàu lửa đâm vào, khiến cả hai thiệt mạng tại Km 7+500 khu gian đường sắt Giáp Bát - Văn Điển (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
• Trước đó, ngày 1-3, tại Km15+850 thuộc địa bàn xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe máy. Hậu quả, 2 trong 3 phụ nữ ngồi trên xe máy chết tại chỗ, trong đó có một thai phụ.
• Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc đã xảy ra lúc 20 giờ 30 ngày 6-2 (Mùng 4 Tết) tại gác chắn xe lửa Cầu Ghềnh (KM 1.700 + 007) thuộc địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tàu SE2 từ TPHCM đi Hà Nội đã tông 6 ô tô đang lưu thông trong lòng cầu làm 2 người chết tại chỗ, 26 người trọng thương.
B.T.Th |
Người Lao Động Online tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)