Sáng 24-3, chiếc tàu cá của ngư dân Bùi Văn Phải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi) mang số hiệu QNg 96382 TS đã cập vào cảng Sa Kỳ (Bình Sơn - Quảng Ngãi) để tranh thủ bán vớt vát số hải sản ít ỏi sau một chuyến biển lỗ nặng. Phần trên cabin của tàu bị cháy nham nhở, rách tả tơi…
Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh bên chiếc tàu bị Trung Quốc bắn cháy. Ảnh: TỬ TRỰC
Hai lần bị uy hiếp, bắn phá
Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh kể lại: Ngày 28-2, chiếc tàu QNg 96382 TS (105CV) cùng 9 ngư dân xuất bến hướng ra Hoàng Sa đánh bắt. Đến ngày 13-3, khi các ngư dân đang lặn ở đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị 2 tàu sắt màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 262 và 263 uy hiếp. Ngay lập tức, các ngư dân lên tàu nhổ neo bỏ chạy. Thế nhưng, do tàu của ngư dân công suất nhỏ, 2 tàu sắt nhanh chóng đuổi kịp và “kẹp” vào giữa rồi dùng vòi rồng xịt vào mạn tàu.
“Cố nhấn ga, luồn lách, tàu cá của chúng tôi mới thoát được gọng kìm của 2 tàu sắt và bỏ chạy. Khi ra cách đảo Linh Côn khoảng 6-7 hải lý, 2 tàu Trung Quốc mới không đuổi nữa” - anh Thạnh kể.
Chiều cùng ngày, tàu QNg 96382 TS tiếp tục quay trở lại đảo Linh Côn đánh bắt. Vì tàu đi nghề lặn, không gặp được luồng cá nên tàu anh Thạnh phải trụ nhiều ngày ở đảo Linh Côn. Đến khoảng 10 giờ ngày 20-3, khi 9 ngư dân đang lặn ở đảo Linh Côn thì lại phát hiện tàu tuần tra màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 786 tiến lại gần.
Cũng giống lần trước, anh Thạnh bất chấp nguy hiểm, vội kéo các ngư dân đang lặn ở dưới đáy biển lên nhưng vẫn không cho lên khỏi mặt nước (vì đang lặn ở dưới sâu kéo lên đột ngột dễ dẫn đến tử vong) và nhổ neo cho tàu chạy chậm để đối phó. Khi đó, tàu Trung Quốc vượt lên phía trước, ép đầu tàu của các ngư dân và bắn liên tiếp 4 phát súng vào tàu khiến anh em đi trên tàu hoảng loạn. Trước tình thế bất lợi, anh Thạnh ra lệnh mọi người ra phía mũi tàu, còn anh và một ngư dân ở lại ca bin để điều khiển tàu và gỡ thiết bị máy dò định vị giấu đi.
Do trúng đạn từ tàu Trung Quốc, cabin bốc cháy dữ dội, để lộ ra 4 bình gas lớn. Sợ bình gas phát nổ, các ngư dân trên tàu lao vào dùng nước biển dập lửa. Sau khoảng 30 phút, lửa trên tàu được dập tắt nhưng toàn bộ áo quần, mền, chiếu… của ngư dân bị cháy rụi. Lúc này, tàu Trung Quốc cũng bỏ đi.
Ngư dân Lê Thu, đi trên tàu, kể thêm: “Khi tàu Trung Quốc đuổi theo và kẹp mạn tàu cá, một số lính trên tàu lăm lăm tay súng không nói không rằng liên tục nã đạn, mặc cho lúc đó anh em chúng tôi đã tập trung trên mũi tàu”.
Quyết bám Hoàng Sa
Vì hầu hết vật dụng, lương thực trên tàu bị cháy rụi, các ngư dân đành quay về, chấp nhận tổn phí 300 triệu đồng vay mượn trước khi ra Hoàng Sa. Theo ngư dân Bùi Văn Phải, khi tàu trở về hầu như trắng tay, chỉ bán được vỏn vẹn 76 con hải sâm.
Chiều 25-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết qua xác minh, đã nắm được thông tin 2 trường hợp tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc ngăn cản đánh bắt hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa. Ngoài tàu ông Phải còn có tàu của ông Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc quấy phá, ngăn chặn.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan chức năng. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh, Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hành nghề, có ý kiến yêu cầu Trung Quốc không được quấy phá…, đừng để ngư dân hoang mang” - bà Hương nói.
Cũng theo một số ngư dân ở Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, việc tàu cá Trung Quốc dùng súng bắn gây cháy tàu cá của ngư dân khi đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã xảy ra từ lâu và nhiều trường hợp.
Ngư dân Đặng Tằm (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cho biết vào đầu năm 2013, khi tàu của ông đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu tuần tra của Trung Quốc uy hiếp và bắn cháy. Khi trở vào đất liền, tàu của ông Tằm vẫn còn dấu vết của viên thuốc cháy xoáy vào thành tàu, để lại một lỗ sâu hoắm.
Theo các ngư dân, hiện ở ngư trường Hoàng Sa, Trung Quốc có khoảng 25 -30 tàu gồm nhiều lực lượng như kiểm ngư, tuần tra, hải giám. . . đang ráo riết hoạt động, thường xuyên uy hiếp, tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam.
“Bây giờ ra Hoàng Sa khó làm lắm, phải cử một người ngồi trên nóc tàu quan sát như radar để cảnh giác tàu Trung Quốc tới. Nhưng dù thế nào đi nữa anh em tôi vẫn không bỏ biển Hoàng Sa” - ngư dân Bùi Văn Phải kiên quyết.
Yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm hành vi vô nhân đạo Ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc tàu nước này uy hiếp, bắn cháy tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo ông Lương Thanh Nghị, đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam” - ông Lương Thanh Nghị nêu rõ.
B.Diệp |
Bình luận (0)