Hải Âu 01 và Hải Âu 02 là 2 trong số 6 tàu được đóng theo chương thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ của Chính phủ. Cả 2 tàu vừa được bàn giao cho ngư dân xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Rất yên tâm khi xa bờ
Mới trở về đất liền được ít hôm sau nhiều ngày trên biển, thuyền trưởng Phạm Văn Tuyên cùng các ngư dân tàu cá Hải Âu 01 lại nhanh chóng sửa sang ngư cụ, bơm nhiên liệu, kiểm tra tàu để chuẩn bị ra khơi. Gặp chúng tôi, anh Tuyên cho biết ngay chuyến ra khơi đầu tiên bằng tàu vỏ thép, họ đã khai thác được trên 3 tấn cá thu. Trừ chi phí và trả công, anh Tuyên còn thu về trên 100 triệu đồng.
Sau chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió này, Hải Âu 01 lại cùng anh Tuyên và các ngư dân vươn khơi liên tục 6 chuyến nữa. Anh Tuyên cho hay: “Ngày 27-12-2013, tôi nhận tàu và ít ngày sau, 6 anh em chúng tôi ra khơi. Lúc mới nhận tàu, chúng tôi rất bỡ ngỡ vì sự hiện đại của nó. Nhưng khi đã quen và đi xa đất liền, tôi cảm thấy rất yên tâm và tự tin, mọi thao tác đều nhanh và hiện đại hơn rất nhiều so với tàu gỗ. Tàu gỗ tối đa chỉ chịu được gió cấp 7 nhưng tàu vỏ thép có thể chịu được gió giật cấp 9-10, lại không lo bị nước tràn vào các khoang nên ngư dân rất yên tâm khi đánh bắt xa bờ”.
Theo anh Tuyên, tàu vỏ thép có rất nhiều ưu điểm vượt xa tàu gỗ như an toàn hơn, di chuyển rất nhanh (khoảng 9 hải lý/giờ); khoang rộng chứa được nhiều ngư cụ, nguyên liệu bảo quản, vật dụng sinh hoạt… nên có thể đánh bắt xa bờ cả tháng trên biển. “Từ ngày nhận tàu đến nay, tôi đã ra khơi được 7 chuyến. Tất cả đều an toàn và cho năng suất cao hơn so với đi tàu gỗ” - anh Tuyên khẳng định.
Trong khi đó, theo ngư dân Trần Văn Châu, chủ nhân Hải Âu 02, từ ngày nhận tàu vỏ thép này (18-3-2014) tới nay, anh đã vươn khơi 3 chuyến, tuy chưa được như ý nhưng vẫn lời. “Dù mới làm quen nhưng tôi thấy so với tàu gỗ, tàu vỏ thép cơ động hơn rất nhiều trong lúc vây bắt cá, mang được nhiều ngư cụ hơn nên phạm vi đánh bắt xa hơn, rộng hơn và có thể bắt gọn cả đàn cá. Điều này tàu gỗ rất ít khi làm được” - anh cho biết.
Muốn chuyển đổi từ lâu
Trước khi có được nguồn vốn đóng tàu thí điểm vươn khơi, anh Tuyên đã đi khắp nơi để tìm hiểu các xưởng đóng tàu trên địa bàn với mong muốn đóng một chiếc vỏ thép để đi được xa hơn, yên tâm hơn trước những con sóng lớn. Khi anh chuẩn bị bỏ tiền để đóng tàu thì nhận được dự án hỗ trợ.
“Không chỉ tôi mà hàng ngàn ngư dân cũng đều rất vui mừng trước việc được nhà nước hỗ trợ thay thế tàu gỗ. Muốn chuyển đổi từ lâu rồi nhưng vì vốn hạn hẹp, ngân hàng cho vay rất hạn chế nên chúng tôi không thể thực hiện” - anh Tuyên giãi bày.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Hải Chính và rất nhiều ngư dân, những ưu việt của tàu vỏ thép so với tàu gỗ là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì rất khó để người dân làm được, bởi đóng một con tàu như của anh Tuyên thì phải đầu tư khoảng 8-9 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Lân, Chủ tịch UBND xã Hải Chính, cho biết: “Nghiệp đoàn Nghề cá của xã có 47 tàu, chủ yếu là tàu gỗ nên ai cũng muốn chuyển đổi sang loại vỏ thép. Song, với số tiền đóng tàu lớn như vậy mà trả gấp quá thì khó cho ngư dân. Hơn nữa, ngân hàng chỉ cho mỗi hộ vay tối đa chỉ 200 triệu đồng, mỗi tàu có 6 ngư dân cùng góp vốn nên số tiền vay không đủ để mua lưới, ngư cụ”.
Mong kéo dài thời gian hoàn vốn
Thuyền trưởng Phạm Văn Tuyên thổ lộ rất mong Chính phủ kéo dài thêm thời gian trả nợ để ngư dân yên tâm bám biển. “Nhà nước hỗ trợ cho tôi nguồn vốn để có chiếc tàu Hải Âu 01 nhưng phải hoàn vốn trong 5 năm. Nếu hoàn vốn trong thời gian ngắn như vậy thì quá sức với ngư dân. Chưa kể, chúng tôi còn phải bỏ ra khoảng 2,5 - 3 tỉ đồng để mua lưới và ngư cụ sau khi đóng tàu hết 4,5 - 5 tỉ đồng” - anh Tuyên băn khoăn.
Bình luận (0)