xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tây Bắc, sau cuộc đổi đời

Bài và ảnh: Nguyễn Tường

​Chúng tôi du khảo vòng cung Tây Bắc, bắt đầu từ ngã ba Bắc Quang (Hà Giang) đi qua hướng Hoàng Su Phì, Sín Mần, Bắc Hà, ngược lên Sơn La, Mường Nhé và kết thúc ở cột mốc A Pa Chải…

Ông Trần Thế Dũng (Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, TP HCM) mở tour khám phá vòng cung Tây Bắc được gần 2 năm nay. Tour bán chạy đến mức, nghe nói, khách phải đặt trước đến 3 tháng để “xí chỗ”. Tôi lấy làm tò mò, làm sao có thể làm tour với điều kiện đường sá và cơ sở vật chất, dịch vụ còn trở ngại như thế?

Giấc mơ Sa Pa

Trời xui đất khiến, lại có dịp chúng tôi vác ba lô đi chung một chuyến tour mà ông Dũng cứ cố thuyết phục: “Ông đi sẽ thấy khác lắm”. Tôi gật đầu. Và hành trình đã được bắt đầu đầy hứng thú với con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai 265 km, một mở màn khá êm đềm với điểm đến đầu tiên là Bắc Hà.

Bắc Hà của cách đây 10 năm với chợ phiên còn những nét đặc thù bản địa vào buổi sáng chủ nhật hằng tuần, nay đã khác nhiều. Không gian chợ mở rộng hơn với những dãy nhà mới nhưng quần thể kiến trúc chợ cũ vẫn còn được giữ gìn. Chợ đông bởi bước chân du khách thập phương đổ về. Bà Hàn Phương, một phụ nữ Nùng ở bản Na Hối bán bánh giày Nùng truyền thống nhiều năm ở khu chợ này, nói cách đây vài năm, mỗi phiên chợ, gánh hàng của bà chỉ bán được 3 kg bánh, nay thì 7 kg. Mỗi tuần một phiên chợ, người dân tộc Mông, Tày, Nùng ở Bắc Hà coi phiên chợ là nơi “diễu hành” của đủ thứ mặt hàng làm được từ rẫy nương, kiếm được từ rừng núi, từ các loại rễ, củ để ngâm rượu làm thuốc cho đến trâu bò, lợn cắp nách, gà đồi. Những gian hàng ăn vặt trong chợ còn là nơi để dân địa phương “trình diễn” các loại bánh trái truyền thống trông bắt mắt...


Thuyền du lịch trên sông Đà

Thuyền du lịch trên sông Đà

Đêm Bắc Hà chộn rộn. Phố xá đông người. Có hẳn cả một chương trình văn nghệ tối thứ bảy do địa phương tổ chức để phục vụ du khách miễn phí. Anh Vàng Văn Đức - người ở bản Na Kim Tả Chảo, một nghệ nhân sáo trong đêm diễn - nói rằng: “Thanh niên địa phương đi học sáo, học trống, học múa hát để phục vụ du lịch. Du lịch phát triển thì đời sống bà con mới cải thiện được chứ làm nương rẫy nghèo hoài thôi”.

Nhưng lời anh Đức có lẽ xem như một kỳ vọng. Trên thực tế, điều đó đúng chỉ một phần. Có thể nhận thấy rõ sự phát triển của Sa Pa trong khoảng 10 năm qua là rất nhanh chóng. Nhà cửa khách sạn bề thế mọc lên ồ ạt. Nhiều cánh đồi bị bạt đi để xây cơ sở dịch vụ du lịch cao cấp. Ngôi nhà thờ đá lọt thỏm giữa rừng bê-tông. Đêm ở trên đường phố Cầu Mây đông đúc, hai bên ken kín những cơ sở dịch vụ, từ tắm lá thuốc người Dao đỏ cho đến massage, bar, cà phê, quán ăn... Nhưng vẫn đó, rớt lại ven chợ, ven đường, nhếch nhác bên hiên những cửa hiệu sáng đèn vẫn là hình ảnh những cụ bà, em bé Mông rệu rã với những gánh hàng rong bán thổ cẩm, đồ thủ công với giá rẻ bèo.

Andrey Nguyen, cô gái 24 tuổi, là Việt kiều mới về thăm Việt Nam lần đầu, bỗng bật khóc khi đám trẻ mũi dãi lòng thòng, đầu trần chân đất, mặt mày bơ phờ trong sương lạnh xúm lại mời cô mua những món thổ cẩm rẻ tiền.

Cũng như nhiều đô thị du lịch khác, sự phát triển ồ ạt về hạ tầng dịch vụ trong khi mang lại lợi tức lớn cho các nhà đầu tư thì người dân bản địa nhiều khi lại bị bỏ rơi trong tiến trình chuyên nghiệp hóa dịch vụ, dù hình ảnh, sự hiện diện (trong tiều tụy) của họ tạo ra sự đặc thù, sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.

Nhưng Sa Pa vẫn là một tấm gương, một hình mẫu, xa hơn, là ước mơ về phát triển du lịch của những địa phương còn lại ở Tây Bắc.

Mở lòng để đổi thay

Chúng tôi đến huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La - một huyện mới được thành lập sau khi xây thủy điện Sơn La. Cảm giác đầu tiên, đây là địa bàn được quy hoạch xây dựng khá ngăn nắp, có quãng trường, đường sá thênh thang nhưng đêm về vắng bóng người, vắng bóng dịch vụ du lịch. Hỏi ra mới được biết trước đây thị trấn Quỳnh Nhai nằm cách 40 km, nơi có dòng sông Đà chảy qua. Sau khi đập thủy điện tích nước, thị trấn cũ chìm sâu và dân được tái định cư ở trung tâm Quỳnh Nhai mới. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc người Thái bản địa quen với phương thức sản xuất cũ (trồng lúa nước và chăn nuôi ở bên cạnh những con suối, dưới lòng các thung lũng) nên dù được tái định cư ra trung tâm nhưng nhiều người vẫn đi tìm địa thế quen thuộc để định cư. Có người sang tận Mộc Châu, Mai Châu, Yên Châu... hoặc “vén lên” theo mực nước hồ thủy điện sông Đà để sinh sống.

Tình trạng những vùng trung tâm được xây dựng bề thế nhưng vắng bóng người khá phổ biến ở những vùng tái định cư do thủy điện trên núi rừng Tây Bắc. Mường Lay cũng là trường hợp tương tự. Nếu chừng 10 năm trước, Mường Lay là một vùng lòng chảo yên bình, trù phú, có nhiều đặc thù đời sống nhân văn và văn hóa bản địa lâu đời thì nay, khi mực nước thủy điện của sông Đà dâng cao khiến Mường Lay cũ chìm sâu, cây cầu Hang Tôm nằm ở cửa ngõ thị xã biến mất dưới làn nước xanh ngắt thì hình ảnh những cây cầu, những ngôi nhà trụ sở hành chính mới bề thế mọc lên trên các ngọn đồi trở nên vắng hoang. Sự hoang vắng khoác áo hiện đại.

Thủy điện đang làm thay đổi bề mặt và kể cả bề sâu trong lòng Tây Bắc.


Dân địa phương với du khách ở Bắc Hà

Dân địa phương với du khách ở Bắc Hà

Chuyến đi thuyền ngược sông Đà của chúng tôi kéo dài một ngày trời, từ Quỳnh Nhai sang Mường Lay. Cảnh sắc hai bên vẫn đẹp, vẫn hùng vĩ. Nhưng một sông Đà của thời thủy điện đã nhấn chìm dòng sông Đà đầy hoang dã trong văn Nguyễn Tuân của những năm 1950. Những bản mường của người Thái ven sông thưa thớt. Hàng hóa nhu yếu phẩm trao đổi hầu hết phụ thuộc vào những con thuyền lớn ngược xuôi như những siêu thị nổi vì từ những khu dân cư mới vẫn chưa có lối ra quốc lộ.

Ông Trần Thế Dũng, người mê chinh phục Tây Bắc, nói rằng Tây Bắc đang thay đổi. Nhưng để trở nên chuyên nghiệp thì cần những yếu tố thúc đẩy từ bên ngoài. Ông lấy ví dụ để mở được một tour ngược sông Đà ăn khách như hiện nay, bản thân ông phải tác động nhiều đến chính quyền địa phương và có lúc phải làm việc với Tổng cục Du lịch để tác động xuống cơ sở. Dường như mọi thứ sau cuộc đổi thay mà thủy điện tạo ra ở đây thì hãy còn mới mẻ quá, để bắt tay vào khai thác tiềm năng du lịch một cách chuyên nghiệp, người ta còn chưa kịp trang bị. Ông cho biết có những chuyến tour vào mùa mưa, gỗ thượng nguồn trôi kín mặt sông. Ông chẳng biết kêu ai, đành thuê người chèo đò đẩy gỗ cho thuyền của du khách đi qua...

Ngồi nhâm nhi tách trà dưới gốc hoa ban ở Mường Lay (Điện Biên), một người khách trong chuyến tour nói: “Khám phá Tây Bắc hôm nay, là đi từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước những thay đổi nhanh chóng của một vùng miền. Tây Bắc của cơn xáo trộn từ những dòng sông thành hồ thủy điện. Tây Bắc của những bản làng cũ chìm khuất và những khu trung tâm mới mẻ nhưng như thể mất mát một điều gì đó sâu trong nội tại. Và Tây Bắc của thiên nhiên hùng vĩ nhưng đang đổi thay trước sức ép của hiện đại hóa. Nhưng vẫn còn đó những cung đường thơ mộng, những bản làng đậm bản sắc, con người mộc mạc, thật thà...”.

Khi chúng tôi về Điện Biên, Mai Châu, Mộc Châu, đâu đâu cũng thấy người dân các bản ven đường trồng hoa cải, hoa mận, hoa tam giác mạch. Trước những khu vườn, có những tấm biển đề: “Mời vào vườn hoa chụp ảnh, giá 10.000 đồng/người”. Từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán là thời gian những khu vườn kiểu này chộn rộn người ra kẻ vào, là phượt, là nhà tour...

Một Tây Bắc mà người dân không còn nhìn người lạ nơi khác đến với sự rụt rè trong ánh mắt như 10 năm về trước mà hồ hởi, chủ động mở lòng để đổi thay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo