Sáng 2-8, tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nằm la liệt từ trong phòng bệnh đến hành lang, chân cầu thang, nhà kho. Các bác sĩ (BS) cũng chạy đôn chạy đáo khám chữa bệnh do thiếu nhân lực.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, chị Nguyễn Thị Lan cho biết con trai 2 tuổi của mình bị SXH nhập viện đã 3 ngày nay. Hiện bệnh của con chị đang chiều hướng nặng hơn nhưng phải nằm 1 giường cùng 3 cháu khác.
Theo BS Nguyễn Hai, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, khoa có 30 giường bệnh kế hoạch và 25 giường kê thêm vào các vị trí trống như hành lang, nhà kho nhưng hiện có đến 195 bệnh nhân, hầu hết là mắc SXH. Do đó, người bệnh đã tự đem khoảng 100 giường xếp vào để nằm.
Ban Chỉ đạo Chống dịch bệnh SXH tỉnh Đắk Lắk cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 1.956 trường hợp mắc bệnh, tăng hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 1 người tử vong. BS Y Bliu Arul, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, khẳng định việc bệnh nhân SXH tăng đột biến đã khiến hầu hết các khoa trong BV quá tải, công suất sử dụng giường bệnh đạt 200%-300%.
“Cơ sở điều trị và nhân lực thiếu thốn, BV sẽ không tránh khỏi những sai sót về chuyên môn, người bệnh sẽ gặp khó khăn và có nhiều bức xúc hơn trong quá trình nằm viện. Do đó, BV đề nghị Sở Y tế xem xét, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn hiện nay, chỉ đạo các tuyến dưới tăng cường điều trị SXH, chỉ chuyển đến BV tỉnh những trường hợp nặng” - BS Y Bliu Arul nói.
Tại Lâm Đồng, theo BS Trần Mạnh Hạ, Phó Giám đốc Sở Y tế, tỉnh có khoảng gần 670 người mắc SXH, tăng 400 ca so với cùng kỳ năm 2015. UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định cấp 700 triệu đồng cho ngành y tế để phòng chống SXH.
Tại tỉnh Kon Tum, tính từ tháng 2 đến nay đã có khoảng 1.500 ca mắc SXH, tăng hơn nhiều so với các năm trước. Trong chuyến làm việc với ngành y tế tỉnh Kon Tum mới đây về bệnh SXH, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng ở các huyện xảy ra SXH cao nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc phòng chống dịch.
Trong khi đó, ngày 2-8, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Gia Lai bàn về các biện pháp phòng chống dịch SXH khi tỉnh này đã có gần 4.000 ca nhiễm bệnh. Theo ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai, nguyên nhân bệnh SXH tăng hơn các năm trước do thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho nguồn gây bệnh phát triển. Các năm trước, số ca mắc SXH trên địa bàn ít nên khi dịch bệnh bùng phát, khả năng mắc bệnh của người dân cao hơn do sức đề kháng thấp.
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh dù tỉnh đã chuẩn bị trước nhưng dịch SXH vẫn bùng phát. “Chúng tôi rất lo lắng. Mong rằng các cơ quan hữu trách có cách dự báo, vào cuộc quyết liệt thì dịch bệnh mới có thể dập tắt” - bà Hà bày tỏ.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng Sở Y tế cần rà soát, đánh giá, nắm bắt được tình hình, khoanh vùng ổ dịch để có hướng xử lý. Với các ổ dịch đã phát hiện, cần tăng cường giám sát, vệ sinh môi trường, duy trì các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ rà soát lại để cấp thêm hóa chất giúp tỉnh phòng chống dịch bệnh SXH.
Bình luận (0)