Sáng 8-8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức hội nghị bàn về kế hoạch kiểm tra ma túy và chất kích thích đối với đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn TP HCM. Phương án được Sở GTVT TP HCM đưa ra là cho doanh nghiệp (DN) chủ động lên danh sách, chọn ngày giờ để đoàn kiểm tra đến, ngoài ra sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất tại các bến bãi, trên đường…
Nhiều băn khoăn
Thống kê sơ bộ cho thấy TP HCM có khoảng 50.000 lái xe. Từ nay đến cuối năm 2014, đoàn kiểm tra liên sở gồm Sở GTVT, Sở Y tế và Công an TP sẽ tập trung kiểm tra tại 34 DN kinh doanh vận tải chủ yếu là container, với hơn 650 lái xe.
Căn cứ trên danh sách lái xe và thời gian DN đăng ký, đoàn kiểm tra sẽ đến trụ sở DN kiểm tra các mẫu nước tiểu, nếu kết quả dương tính thì xử lý lái xe và tạm rút giấy phép kinh doanh của DN. Trường hợp lái xe không đồng ý với kết quả, sẽ tiếp tục cho làm xét nghiệm tại các cơ sở y tế đủ điều kiện. Ngoài ra, đoàn kiểm tra sẽ đột xuất đến các kho, bến bãi, trên đường… để test ma túy đối với các lái xe. Chi phí cho việc test ma túy sẽ do DN chi trả, dự kiến 220.000 đồng/lần test.
Câu hỏi được nhiều DN đặt ra là các đợt khám sức khỏe định kỳ của DN đã có test ma túy đối với lái xe, nay đoàn kiểm tra test lại, liệu có lãng phí? Nếu cơ sở y tế do DN chọn để khám sức khỏe định kỳ không phát hiện lái xe bị nghiện nhưng đoàn kiểm tra lại phát hiện thì sao? Lái xe đối phó bằng cách ngưng sử dụng ma túy 1- 2 ngày, liệu cơ sở y tế có phát hiện ra…?
“Trước ngày 30-4, chúng tôi đã nộp kết quả khám sức khỏe của lái xe cho Sở GTVT theo quy định. Tháng 7 này, công ty lại có đợt khám sức khỏe lái xe theo định kỳ. Vậy lần kiểm tra này có cần thiết xét nghiệm lại chất ma túy đối với lái xe không?” - ông Lâm Hoàng Hùng, đại diện Công ty TNHH Kim Gia Minh - một trong những DN được chọn kiểm tra đợt này - thắc mắc.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Kiên, đại diện Công ty CP TM và DV VT Hợp Thành Công, băn khoăn: “Chúng tôi tán thành chủ trương của Bộ GTVT nhưng cách làm thế nào cho hiệu quả là điều cần bàn. Dự kiến một ca test ma túy là 220.000 đồng, nếu DN có nhiều lái xe thì số tiền không phải nhỏ, trong khi hầu hết các DN vận tải hiện rất khó khăn”.
Lo ngại về chất lượng cuộc kiểm tra, trung tá Nguyễn Văn Dũng, đại diện Công an TP, cho rằng phải hài hòa giữa chất lượng kiểm tra và bảo đảm hoạt động kinh doanh của DN là bài toán khó. “Nếu tập trung lái xe tại DN và thông báo trước ngày, giờ kiểm tra, kế hoạch kinh doanh của DN không bị ảnh hưởng nhưng hiệu quả không cao vì nhiều khả năng lái xe sẽ đối phó bằng cách ngưng sử dụng ma túy vài ngày. Còn kiểm tra đột xuất thì hiệu quả sẽ cao nhưng đoàn kiểm tra phải mời thêm lực lượng công an phường để xử lý vi phạm hành chính đối tượng dương tính với ma túy. Chưa kể, nếu kiểm tra trên đường thì phải mời CSGT theo để có căn cứ xử phạt theo Nghị định 171” - ông Dũng nói.
Sẽ kiểm tra thường xuyên
Ông Trần Quốc Hùng, ủy viên chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng nên có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất vì hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc kiểm tra tại các DN không hẳn là không hiệu quả vì nếu lái xe bị nghiện thì rất khó “nhịn” ma túy trong 1-2 ngày.
Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP HCM, kết quả kiểm tra sức khỏe chỉ có giá trị một thời điểm nhất định. Nếu lái xe ngưng sử dụng ma túy 2-3 ngày thì vẫn có thể phát hiện được thông qua những trang thiết bị hiện đại mà chỉ một số nơi mới có, cụ thể là Trung tâm Giám định pháp y TP.
Trước những băn khoăn của DN và một số ngành về hiệu quả của công việc này, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, khẳng định: “Dù khó cũng phải làm! Chắc chắn sẽ có lái xe đối phó nếu sử dụng ma túy, tuy nhiên, việc kiểm tra sẽ được Sở GTVT tiến hành thường xuyên. Yêu cầu các DN vận tải trong các đợt khám sức khỏe gần nhất phải đưa vào nội dung test ma túy cho lái xe. Riêng các trường hợp kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện lái xe sử dụng ma túy và lái xe cũng thừa nhận đã test ma túy tại các lần khám nhưng không bị phát hiện, đoàn kiểm tra sẽ xem xét trách nhiệm của DN và cơ sở y tế”.
Gần 400 lái xe bị nghiện
Theo Bộ GTVT, kết quả báo cáo khám sức khỏe lái xe của Sở GTVT 63 tỉnh, thành tính đến ngày 16-6 cho thấy cả nước có khoảng 136.132 lái xe phải khám sức khỏe. Trong số hơn 129.000 lái xe đã khám sức khỏe, phát hiện 1.769 trường hợp không đủ điều kiện để lái xe, trong đó có 381 trường hợp dương tính với chất ma túy và 1.388 trường hợp không đủ sức khỏe do nguyên nhân khác.
Bình luận (0)