xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết nghèo ở vùng động đất

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Một năm với những trận động đất kinh hoàng, người dân quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đón Tết trong cái rét của miền núi và nỗi lo chưa dứt...

Những ngày cuối tháng chạp, không khí lạnh bao trùm lên những nóc nhà thấp lè tè nằm chênh vênh trên bờ hồ đập thủy điện Sông Tranh 2. Trẻ con vô tư vui đùa giữa cái giá rét lạnh căm trong những tà áo mỏng manh. Người lớn thì túm tụm bên bếp củi với nỗi lo Tết năm này thua hẳn mọi năm trước.
 
Hàng chục trận động đất lớn nhỏ đã khiến người dân ở đây bỏ bê công việc, trở về bên góc bếp gia đình để cùng quây quần với người thân. Nỗi lo đó vẫn còn hiện hữu với những đồng bào Ca Dong, Xê Đăng sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam.
 
img
Gia đình ông Thạnh quây quần bên bếp lửa để quên đi cái rét

Quẩn quanh kiếm sống qua ngày

“Gạo còn không có đủ để ăn, lấy chi mà sắm Tết” - ông Nguyễn Văn Nhàn (SN 1960, trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) buồn bã nói. Nhà ông Nhàn có tất cả 6 miệng ăn nhưng mùa lúa năm nay chỉ thu được có 3 gùi, đủ ăn trong vài tuần. Trên giàn bếp đan bằng tre treo lủng lẳng phía trên bếp lửa than chỉ có thau cơm nguội lạnh cùng tô canh rau. Bữa trưa của cả gia đình ông Nhàn chỉ có thế.

Mọi năm, nhà ông Nhàn có 2 lao động chính thì đi phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn và đi làm thuê. “Năm nay, động đất liên tục nên không làm gì được. Đi xa cũng sợ nên về nhà trông coi tụi nhỏ” - ông Nhàn tâm sự. Con trai ông Nhàn là Nguyễn Văn Thiện (SN 1985) cho biết mỗi lần xảy ra động đất là ở trên rừng có rung lắc mạnh nhất. Chính vì thế mà người dân Ca Dong năm nay không dám đi rừng nhiều, không phát rẫy như mọi năm. Thu nhập vì thế mà giảm đi đáng kể.

Cách nhà ông Nhàn chừng chục bước chân, căn nhà bà Hồ Thị Xuân (SN 1962) trống trải từ trong ra ngoài. Bà Xuân lục trên giàn bếp một tô cơm nguội chan cùng với bát canh mít non nấu chay. “Nấu một nhúm gạo mà ăn cả ngày. Mít non trên rừng hái về nấu một nồi canh với một chút muối thôi. Không có thịt cá chi hết” - bà Xuân vừa nói vừa nhai vội miếng cơm chan canh mít.

Trong suốt một năm nhọc nhằn vất vả vì động đất, cuộc sống của người dân các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác… khó khăn hơn. Nỗi lo chung của hàng trăm hộ dân sống ở quanh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 là sự an nguy của bản thân và gia đình nên họ bỏ bê phát nương làm rẫy, chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi vài con gà, con heo để bán lấy tiền đổi gạo sống qua ngày.
 
Cuộc sống người đồng bào miền núi đã nghèo nay lại càng khó hơn. Vốn liếng ăn Tết của gia đình ông Nhàn chỉ còn lại một con heo choai. “Đầu năm, vợ tôi dồn tiền mua một cặp heo con. Dự định nuôi để cuối năm ăn Tết nhưng túng quá nên bán mua gạo ăn trước đó rồi. Nay còn một con không biết nên mổ để ăn Tết hay là bán đổi gạo đây?” - ông Nhàn phân vân.
img
Trẻ em ở thủy điện Sông Tranh 2 mơ một tấm áo mới

Chưa hết nỗi lo

Trong cái rét lạnh căm của tháng chạp ở miền núi, hàng chục đứa trẻ ở xã Trà Bui túm tụm lại chơi đùa. Không em nào có nổi manh áo lành lặn mà tất cả đều cũ kỹ, sờn vai, bạc thếch và phong phanh giữa cái giá rét.

Em Hồ Văn Hợi (SN 2000) thật thà: “Mấy năm em chưa được mẹ may cho cái áo mới. Đến trường cũng chỉ có tấm áo cũ may đã gần 3 năm rồi. Trời lạnh lắm nhưng chịu miết nên quen”. Trên con đường đến trường, trẻ em miền núi huyện Bắc Trà My này phải khoác lên người manh áo mỏng. Không chỉ có Hợi mà những em nhỏ khác cũng nói rằng để đến lớp không bị lạnh, các em phải chạy cho vã mồ hôi, đối phó với cái lạnh.
 
“Ăn còn không đủ, huống chi là áo mặc” - chị Hồ Thị Xên (SN 1972, trú xã Trà Đốc) tâm sự. Nhà chị có 2 đứa con nhỏ mới lên 6 và 3 tuổi. “Mọi năm ít nhất cũng phải mỗi đứa một bộ. Năm nay thì chắc phải để bọn nhỏ mặc đồ cũ thôi” - chị Xên nói.

Chúng tôi đến gia đình ông Hồ Văn Thạnh (SN 1962, trú xã Trà Đốc) vào một buổi trưa cuối năm. Trời lạnh căm, cả gia đình ông Thạnh đang quây quần bên bếp lửa giữa nhà sàn. “Lạnh thế này thì chỉ có đốt củi lên và ngồi sưởi ấm thôi chứ không làm gì được” - bà Hồ Thị Hồng, vợ ông Thạnh, vừa châm củi vừa nói.

Nhà ông Thạnh nằm cạnh bên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, kế bên chân đập. Ngôi nhà sàn được dựng bằng những cây gỗ. Những lần động đất mạnh, toàn bộ ngôi nhà rung lắc dữ dội. “Trẻ con thì khóc thét, cả nhà phải dẫn ra ngoài trú vì sợ nhà đổ” - ông Thạnh kể. “Có gia đình sợ động đất đến nỗi bán trâu lấy tiền mua thức ăn. Vì theo họ, nhỡ có ngày động đất to, không tránh khỏi cái chết thì để trâu lại chỉ phí phạm” - anh Thiện kể câu chuyện có thật ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My. Sau đó, cán bộ xã phải lên động viên, giải thích để người dân yên tâm.

“Ngày chưa có thủy điện, bà con ở đây sống một cuộc sống yên bình. Không mấy dư dả nhưng không sống trong nơm nớp lo sợ như bây giờ” - anh Thiện tâm sự. Nỗi lo hiện rõ lên gương mặt của từng người dân nơi đây. Trong hơn 1 năm từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2012, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam đã xảy ra hơn 70 trận động đất lớn nhỏ. “Lo động đất xảy ra bất thường, lo động đất cướp đi sinh mạng của bà con hàng xóm” - ông Nhàn trải lòng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo