Ông Hiển cho biết: Hồi đó Cty Falcomar thuê luật sư (LS) Liberati, chứ không phải là VNA thuê. Đến năm 1994, LS kiện giám đốc của Falcomar không trả công cho anh ta, dưới góc độ Cty này là bị đơn thứ nhất, còn VNA là bị đơn thứ hai. Vì họ cho rằng, Cty Falcomar có làm ăn với Việt Nam và Việt Nam được hưởng quyền lợi từ những hoạt động của nguyên đơn. Năm 1998, Cty Falcomar tuyên bố phá sản, không còn khả năng thanh toán tiền công cho LS Liberati, nên phía VNA là bị đơn thứ 2 phải có trách nhiệm...
+Nhưng thưa ông, vì sao khi có giấy triệu tập của toà Roma mà VNA lại không tham dự?
- Thời điểm đó ông Tứ làm Tổng Giám đốc thì làm sao tôi biết là vì sao? Nhưng theo tôi biết thì khi đó Toà án Roma đã tống đạt giấy triệu tập ra toà thông qua đại sứ quán Italia tại Hà Nội. Nhưng cũng phải nói thẳng là anh em mình thời bấy giờ không hiểu biết về luật pháp của Italia. Chính vì thế, khi đó ông Nguyễn Hải, Trưởng Ban tiếp thị hành khách (nay đã chuyển công tác khỏi VNA-nv) khi nhận được giấy triệu tập đó (do văn thư chuyển lên-pv) đã tham mưu rằng mình không có liên quan gì đến tay LS Liberati này. Mà quả thực là mình không thuê anh ta. Vì tin vào báo cáo của ông Hải nên lãnh đạo VNA thời kỳ đó mới không tham dự phiên toà. Cũng chính vì không tham dự phiên toà nên không làm rõ được trắng đen. Chứ nếu tham dự thì dù có thua, cùng lắm cũng chỉ phải trả công cho anh ta vài chục ngàn USD, còn nếu mà mình thắng thì thậm chí nguyên đơn phải chịu mọi chi phí và án phí...
Cũng chính vì không để ý, nên năm 1998, Cty Falcoma tuyên bố phá sản và năm 2000, Toà Roma tuyên án. Nhưng toàn bộ những thông tin này cũng không ai để ý và không ai biết, mà phía toà cũng chẳng thông báo cho VNA. Tôi nghĩ, ở đây phía nguyên đơn cũng có âm mưu gì đó, vì thế nên đợi đến năm 2002, khi hết thời gian mà phía VNA có điều kiện kháng án, thì nguyên đơn mới tống đạt một “trát” cho VNA để đòi tiền. Nhận được thông tin này bọn tôi cũng rất ngỡ ngàng, chẳng biết ra làm sao…Thực ra, cái sai lớn nhất của mình là không tham dự phiên toà, chỉ có thế thôi.
+Khi nhận được “trát” đòi tiền của LS Liberati, VNA đã làm gì?
-Lập tức HĐQT ra nghị quyết cử người sang Italia để tìm hiểu, sau đó VNA tiến hành thuê LS để tìm hiểu vụ việc. Và mãi đến vừa rồi phía toà mới gửi cho mình bản án và hồ sơ của vụ án. Theo tài liệu đó thì đây chỉ là việc tay LS đòi tiền công của Cty Falcomar. Đến năm 2004, thông qua Uỷ ban đòi nợ của Pháp, họ tiến hành phong tỏa một khoản tiền lớn của VNA ở Paris. Lập tức VNA tiến hành thuê cả LS ở Paris và LS của Italia để kiện lại vụ án và kiện lại quyết định phong toả tài khoản. Vì theo luật của Italia và châu Âu thì họ được quyền tịch biên các tài sản, tiền nong của mình kinh doanh không chỉ ở Italia mà cả các nước trong Liên minh châu Âu. Do nó rất phức tạp như vậy, nên vừa rồi VNA mới phải báo cáo Chính phủ hai lần bằng văn bản
+Hiện VNA có giải pháp gì để giải quyết vụ việc, thưa ông?
-Về giải pháp thì sẽ tiếp tục kiện cả toà án Italia và toà án Pháp để huỷ quyết định phong toả tài khoản. Ngày 30/3, HĐQT của VNA đã họp về vấn đề này và sẽ có văn bản chính thức về hướng giải quyết.
+VNA có nắm được những cơ sở pháp lý mà LS Liberati kiện VNA?
-Hiện chúng tôi đang nhờ các LS của Italia tư vấn để đề nghị Toà Phúc thẩm Roma chấp nhận đơn kháng án của VNA. Theo các LS mà ta thuê thì cơ sở pháp lý mà phía nguyên đơn có là những văn bản như: trang bìa của một cuốn sách quảng cáo VNA, quảng cáo này chắc là có liên quan đến hoạt động của VNA tại ý mà Liberati coi đó như là kết quả làm việc của anh ta (nguyên đơn cho rằng VNA được hưởng từ kết quả làm việc của anh ta cho Falcomar-nv); tóm tắt đăng ký kinh doanh của VNA tại Pháp...
+Thưa ông, vụ việc nghiêm trọng như vậy, nhưng vì sao mãi đến tháng 6/2004, VNA mới báo cáo Chính phủ?
-Thì mình có gì trong tay đâu, có biết việc này nó là cái gì đâu mà báo cáo chậm với sớm. Chỉ khi mình sang bên Italia, Pháp tìm hiểu thì mới biết rõ về vụ việc. LS Liberati cũng có bao giờ sang đây đâu. Tôi cũng chưa gặp anh ta bao giờ. Phải khẳng định là cho đến bây giờ mình chưa tìm được bất cứ tài liệu gì mà VNA có liên quan đến Liberati...
+Nhưng có thể chính LS Liberati có chứng cứ, không lẽ toà Roma lại xử oan cho VNA?
-Tôi cũng ngại nhất là như thế. Vì sự việc diễn ra cả chục năm rồi, nhỡ đâu có ai đó trong VNA lại viết cho anh ta mấy chữ hoặc có thư ủy nhiệm anh ta làm việc này, việc khác mà trong tay nguyên đơn có. Còn về phía VNA thì mình không tìm được bằng chứng nào chứng tỏ VNA có liên quan đến tay LS này.
+Nhưng thưa ông, theo tôi được biết thì bản án đã có hiệu lực pháp luật, VNA cũng đã hết thời hạn kháng án từ năm 2002 rồi thì làm sao có thể kháng án được nữa?
-Hiện nay thì các LS ý khuyến cáo mình: kiện tay Giám đốc Falcoma, kiện Liberati về việc anh ta đã kiện không đúng bản chất của vụ án, đồng thời kháng cáo tại Pháp để không được thi hành án tại Pháp. Nhưng chúng tôi cũng đang cân nhắc và phải báo cáo với Chính phủ. Bởi nếu mà TCty lại cứ đi theo kiện như thế này thì chi phí LS, chi phí hầu kiện, án phí...là thuộc trách nhiệm của VNA.
+Theo tư vấn của LS thì khả năng mà VNA được toà Roma chấp nhận kháng án xử phúc thẩm ra sao?
-Cái này phải chờ Toà Phúc thẩm phán quyết.
Bình luận (0)