xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắc thỏm bên Icom

Nhóm phóng viên

Bị tàu Trung Quốc quấy phá, đâm chìm trên biển, ngư dân vừa gọi nhờ tàu cá xung quanh đến cứu giúp vừa thông báo về các đài Icom trong bờ. Gặp tình huống như vậy, “hậu phương” cũng căng thẳng, hoảng loạn chẳng kém

Cuối tháng 11-2015 vừa qua, làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rúng động khi tin báo về qua đài Icom cộng đồng cho biết ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa lúc đang đánh bắt trên tàu QNg 95861 TS.

Rụng rời nghe tin dữ

Người nhận thông tin từ các ngư dân báo về đầu tiên là ông Nguyễn Thanh Nam, lúc ấy đang trực đài Icom cộng đồng xã Bình Châu. Ông Nam nhớ lại: “Đêm đó trời mưa dữ dội, tôi đang thiu thiu ngủ thì tiếng bộ đàm vang lên. Qua tiếng gió hú, anh em ngư dân báo tin anh Bảy bị những kẻ đi trên tàu nước ngoài bắn chết rồi. Nghe xong, tôi rụng rời chân tay. Cố lấy lại tinh thần, tôi đến nhà anh Bảy nhưng chỉ báo với đứa con, không dám nói với vợ anh ấy”.

 

Nghe ngóng tin tức tàu cá gặp nạn trên biển tại đài Icom cộng đồng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực
Nghe ngóng tin tức tàu cá gặp nạn trên biển tại đài Icom cộng đồng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực

 

Theo ông Nam, từ khi tàu Trung Quốc (TQ) liên tục tấn công, quấy phá tàu cá Việt Nam, ngư dân luôn sử dụng Icom. “Có ngày, tàu ngư dân mình bị phía TQ rượt đuổi đến 3-4 lần, thậm chí họ còn cố tình tông cho chìm. Mỗi lần nhận tin như thế, những người trực Icom chúng tôi cứ rối bời, chẳng biết phải làm sao. Không báo cho vợ con ngư dân thì không được nhưng báo thì họ càng thêm lo” - ông trăn trở.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho rằng nhờ có máy Icom mà ngư dân ra khơi được yên tâm hơn. “Trước đây, khi ra biển, thông qua Icom, ngư dân thông báo cho nhau vùng nào có cá, vùng nào thời tiết xấu... Còn hiện nay, ngư dân gọi về chủ yếu báo vùng nào có tàu TQ đang quấy phá. Nhiều tàu cá cũng nhờ Icom mà tránh được đụng độ với tàu TQ, tránh tổn thất do sự ngang ngược của họ gây ra” - ông Hùng nói.

Mới đây, những người trực đài Icom trong bờ cũng xôn xao về vụ tàu QNg 98459 TS của ông Huỳnh Văn Thạch (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 9 ngư dân bị tàu TQ tông chìm ở vùng biển Quảng Trị hôm 1-1. “Hay tin, bà con lo lắng vô cùng. Họ chạy lên chạy xuống đài Icom nghe ngóng tin tức. Tôi cũng luôn mở máy, dò xem có anh em nào bắt được tín hiệu để báo tin tức cho bà con yên tâm. Khi tin tức từ các tàu cá báo về những ngư dân gặp nạn đã được cứu giúp, bà con mới yên tâm” - ông Huỳnh Luận - người trực đài Icom xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ - kể.

Theo ông Luận, chỉ riêng ngư dân xã Phổ Quang, mỗi năm đã có hàng chục tàu cá bị tàu “lạ” tông chìm, gây hư hỏng hay cướp phá tài sản. “Nếu không có máy Icom nối giữa tàu cá và đất liền sẽ có rất nhiều ngư dân, tàu cá gặp nạn mà không hề hay biết” - ông Luận nói.

“Hậu phương” phập phồng

Hôm tàu cá QNg 98459 TS gặp nạn, chị Võ Thị Cẩm, vợ thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch, đã ngất xỉu ngay sau khi nhận được tin qua đài Icom.

Gặp chúng tôi ở Đà Nẵng trong khi chờ tàu QNg 98459 TS cùng các ngư dân được tàu cá bạn lai dắt về bờ, chị Cẩm bày tỏ: “Tôi thường nghe chồng kể về chuyện tàu TQ quấy phá tàu cá của ngư dân mình. Nhiều lần thấy tàu về cảng mà bị vỡ kính, hư hại đồ đạc, tôi rất xót của. Tôi từng bàn với chồng bán tàu, bỏ nghề đi biển nhưng anh ấy không chịu. Anh ấy bảo phía TQ chỉ dọa chứ không dám tông tàu mình đâu, vậy mà họ tông thiệt”.

 

Chị Võ Thị Cẩm, vợ ngư dân Huỳnh Văn Thạch, khóc ròng khi nghe tin tàu cá của chồng cùng 9 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm Ảnh: Bích Vân
Chị Võ Thị Cẩm, vợ ngư dân Huỳnh Văn Thạch, khóc ròng khi nghe tin tàu cá của chồng cùng 9 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm Ảnh: Bích Vân

 

Từ Đức Phổ, chị Cẩm và chị Đồng Thị Huệ Thu - vợ ngư dân Huỳnh Giao, cùng đi trên tàu QNg 98459 TS - lập tức đón xe ra Đà Nẵng chờ đón người thân. Hai người đàn bà đi trong đêm, đến sáng đã ngồi ở cảng vừa khóc vừa ngóng mắt dõi ra biển.  “Tụi tôi ngồi trong bờ biết chi chuyện ngoài biển... Nghe nói các ngư dân an toàn rồi nhưng tụi tôi nhìn thấy mặt mới hết lo” - chị Thu sụt sùi.

Khi những ngư dân tàu QNg 98459 TS vừa bước lên bờ, 2 phụ nữ liền nhào lại ôm chầm người đàn ông của mình, nước mắt giàn giụa. “Ông bà mình nói “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” thật đúng quá” - chị Cẩm nghẹn ngào.

Trước đó, vào tháng 5-2015, dư luận cả nước đã hết sức phẫn nộ khi tàu ĐNa 90152 TS bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa. Bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90152 TS, nhớ lại: “Chuyến đó chồng tôi ốm không đi biển nhưng 10 ngư dân trên tàu đều là anh em, bạn bè thân thiết. Nghe tin báo về qua Icom, vợ con họ kéo nhau đến nhà tôi, vừa khóc lóc vừa gào thét tên người thân. Mọi người đều ngóng chiếc Icom trong nhà đổ chuông để biết tin tức”.

Bà Hoa cho hay khi nhận được thông báo các ngư dân đã được cứu sống, bà vẫn không dám tin. Trong suốt 3 ngày, khi các cơ quan chức năng lai dắt con tàu cùng 10 ngư dân gặp nạn về bờ, không lúc nào bà chợp mắt được. “Khi họ bước lên bờ, tôi đếm đủ 10 người mới thở phào nhẹ nhõm” - bà Hoa cho biết.

Kỳ tới: Trần ai đòi bồi thường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo