Từ đỉnh đèo Lò Xo hiểm trở, theo con đường nhỏ, chúng tôi luồn dưới những tán rừng về phía Tây Nam tầm 20 km. Thôn Pung Tôn, xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum hiện ra với hơn trăm nóc nhà nằm dưới chân núi Cơm cao chót vót, quanh năm mây mù bao phủ.
Củi đẹp, vợ mới nết na
Dưới cơn mưa rừng giăng mù trời, Y Vàm (SN 1994, người dân tộc Giẻ Triêng) vội vã xếp những bó củi thành từng hàng thẳng tắp, ngay ngắn vào bên hông nhà cho khỏi ướt.
“Củi để mình chuẩn bị đi bắt chồng đấy!” - Y Vàm nói rồi lại luôn tay di chuyển các bó củi. Do còn thiếu hơn 20 bó nữa nên hằng ngày, Y Vàm đều tận dụng mọi thời gian để lên rừng chặt những cây gỗ thẳng, sau đó cõng về nhà chẻ nhỏ, phơi khô, gom góp khi nào đủ 100 bó sẽ mang qua nhà người yêu “bắt nó về làm chồng”.
Trong nhà A Lếk, trưởng thôn Pung Tôn, những bó củi thẳng, đều như khuôn đúc được xếp thành đống cao chót vót. A Lếk hớn hở khoe: “Thấy củi đẹp không? Của con dâu mới nhà mình đấy!”.
A Lếk cho hay theo phong tục truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng, người con gái muốn lấy được chồng phải kiếm đủ ít nhất 100 bó củi đường kính từ 15-20 cm, dài khoảng 90 cm. Để gỗ cháy lâu, than đượm, người dân ở đây thường chọn gỗ dẻ. “Người nào có củi càng đẹp, càng thẳng, củi bổ sao cho tách ra nhưng các thanh không được rời nhau thì được xem là người con gái nết na, đảm đang, chịu khó, sau này sẽ quán xuyến tốt mọi việc trong gia đình” - A Lếk nói.
Đây cũng là tập tục lâu đời và không thể thiếu trong mỗi đám cưới của đồng bào Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring, Đắc Tôi, La Dêê… của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Hôm chúng tôi đến, dân làng thôn 58, xã Đắc Pre vừa tổ chức đám cưới cho đôi bạn trẻ Un Chúc và Kring Thị Hấp. Cùng với các nghi lễ theo phong tục truyền thống của đồng bào Ve, nhà gái còn mang đến những bó củi tươi, được chẻ từng lát nhỏ, buộc theo từng vòng tròn đẹp mắt. Theo già làng Zơrâm Liếu, tùy theo khả năng của nhà gái mà số lượng bó củi khác nhau, thông thường khoảng 100 bó, đủ để nhà trai sử dụng trong 3 tháng.
Trước lễ cưới khoảng một tuần, cả người thân, bạn bè và bà con thôn xóm của cô dâu cùng nhau vào rừng kiếm củi. Đàn ông sẽ đốn những thân cây to bằng một người ôm. Chị em phụ nữ chỉ việc lột vỏ cây, rồi dùng rìu chặt mỏng theo chiều dọc của gỗ. Công việc này đòi hỏi người phụ nữ ngoài bàn tay khéo léo còn phải có con mắt thẩm mỹ. Nếu chẻ không đều, gỗ sẽ bị tách rời nhau, không chỉ khó khăn cho việc buộc dây mà còn tạo nên những bó củi thô cứng, rối rắm.
“Con gái người Ve, Tà Riềng chừng 14-15 tuổi đã bắt đầu tập làm bó củi cưới. Do vậy, khi đến tuổi lấy chồng, hầu như ai cũng thành thạo công việc này!” - chị Un Thị Kim, người dân ở thôn 58, xã Đắc Pre, nói.
Nỗi lo mất rừng
Ông Ch’rưm Siếl (70 tuổi, trú thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang) cho biết theo tục của đồng bào Ve, Tà Riềng, đám cưới thường được tổ chức ở cả nhà trai và gái. Tuy nhiên, chỉ có nhà gái biếu quà cưới (củi kết hôn) cho nhà trai vào thời điểm rước dâu về nhà chồng. Những bó củi này sau khi được cô dâu cõng sang nhà trai, nếu nhà trai yêu cầu đem biếu lại cho người thân, họ hàng của họ thì nhà gái cũng phải đưa quà cưới sang tận ngõ người được nhận.
Phong tục 100 bó củi bắt chồng của người Giẻ Triêng có từ khi nào chính trưởng thôn A Lếk cùng không hề hay biết bởi từ thời mẹ ông và những người phụ nữ khác đã dùng cách này để đi bắt chồng. So với ngày xưa, các cô gái phải tự mình lặn lội vào rừng kiếm đủ ít nhất 100 bó củi mang về để chuẩn bị đám cưới. Nhưng hiện nay, cô gái có thể nhờ những người thân trong họ hàng vào rừng kiếm giúp. Người con gái nào càng kiếm được nhiều củi mang cho nhà trai thì càng chứng tỏ mình có nhiều anh em, họ hàng.
“Kể cả nhà người con gái có nhiều tiền bạc đến đâu mà không có củi thì cũng không được chấp nhận. Chỉ có những người mồ côi, không người thân thích thì may ra mới có thể được miễn” - trưởng thôn A Lếk nói.
Ông A Jar, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhận xét: “Nhìn vào bó củi của người con gái Giẻ Triêng có thể thấy sự chăm chỉ, thùy mị của họ. Tuy nhiên, bây giờ chỉ cần tượng trưng một vài bó chứ hàng trăm bó thì nhiều quá! Rừng giờ còn đâu nữa!”.
Không dễ xóa bỏ!
Ông Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei, cho hay những năm trước, người dân vào rừng chặt củi hứa hôn rất nhiều. Vài năm trở lại đây, nhờ việc giao rừng cho người dân khai thác, bảo vệ và chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống phát thanh nên đã giảm bớt được tình trạng người dân vào rừng chặt củi làm của hồi môn. Tuy nhiên, theo ông Hải, do đây là tập tục có từ lâu đời nên không thể ngày một ngày hai mà xóa bỏ ngay được.
Kỳ tới: Cưới... nợ
Bình luận (0)