xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thầm lặng mà cao cả (*): Chắp cánh những ước mơ

Bài và ảnh: Phan Anh

Miệt mài dạy từng con chữ, kẻ cặm cụi làm từng món quà, họ đến với học trò nghèo bằng cả tấm lòng bao dung, rộng mở

Lớp có gần 50 học sinh (HS), nhỏ nhất chừng 9 tuổi, lớn nhất khoảng 15. Mỗi em học một nội dung khác nhau, đứa toán, đứa tiếng Việt... Lớp học đặc biệt này nằm ở Trung tâm Học tập cộng đồng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM.

25 năm gieo chữ

Các HS đến với lớp mang theo những hoàn cảnh khác nhau. Em này mồ côi hoặc sống với ông bà do cha mẹ ly hôn. Em kia thì cha mẹ có HIV/AIDS hay đi tù do vi phạm pháp luật. Cũng có HS do hoàn cảnh khó khăn, theo cha mẹ đến TP HCM kiếm sống nên không được đến trường. Nhiều em không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không học bạ. Vậy mà hằng ngày, lớp học ấy vẫn ê a con chữ trẻ thơ.

Cô Huỳnh Thị Tươi miệt mài dạy chữ cho học trò nghèo
Cô Huỳnh Thị Tươi miệt mài dạy chữ cho học trò nghèo

Tôi đến lớp đúng lúc HS đang làm lễ chào cờ đầu tuần. Em nào cũng ưỡn ngực, mặt nghiêm nghị, mắt hướng về Quốc kỳ hát lớn: Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc… Tôi hỏi: “Các em biết mình hát bài gì không?”. Các HS đồng thanh: “Dạ, Quốc ca”. “Đầu tuần nào cũng hát Quốc ca?”. “Dạ, để nhớ Bác Hồ, nhớ mấy chú bộ đội ạ” - em Nguyễn Ngọc Huyền hồn nhiên.

Anh Lê Văn Thái cặm cụi ráp xe đạp làm quà tặng học sinh khó khăn
Anh Lê Văn Thái cặm cụi ráp xe đạp làm quà tặng học sinh khó khăn

Huyền khoe tuần nào cũng được cô giáo kể chuyện về Bác Hồ. “Chị biết chuyện “Bát cơm trắng” không?” - Huyền hỏi. Không đợi tôi đáp, em liền kể vanh vách mẩu chuyện về Bác. Xong, Huyền nêu ra một loạt bài học thực tế, nào là phải biết kính trọng người lớn tuổi, không phân biệt, đối xử; nào là phải hòa đồng, yêu thương, đoàn kết, không lãng phí, biết khắc phục nghèo khổ, khó khăn…

“Vừa rồi, lớp em gom tiền giúp mẹ bạn Thái chữa bệnh đó” - lớp trưởng Lê Thị Kim Thanh khoe. Kim Thanh còn bộc bạch: “Được đi học vui lắm! Tụi em học nhiều thứ, được gặp bạn bè. Còn ngày trước, đứa nào cũng phải theo cha mẹ kiếm sống”.

Người miệt mài đem chữ nghĩa và cả những nếp văn hóa đến với lớp học là cô giáo Huỳnh Thị Tươi. Nhìn dáng hao gầy của cô, ít ai nghĩ người phụ nữ này lại bền bỉ đến vậy. Khi làm việc ở Hội LHPN xã Bình Chánh, chứng kiến nhiều trẻ nghèo không được đi học, cô quyết định mở lớp tình thương vào năm 1989. Lúc đầu, cô mượn đình Bình Thượng để dạy. Đến năm 2007, lớp được dời về Trung tâm Học tập cộng đồng.

Thời gian đầu, lớp chỉ lác đác vài HS, cô Tươi phải lặn lội đến từng nhà vận động các em đi học. Bàn ghế, phấn bảng, sách vở…, cô phải chạy vạy xin tài trợ từ các mạnh thường quân. Cô dạy từ lớp 1 đến lớp 5 ở tất cả các môn toán, tiếng Việt, lịch sử, địa lý, đạo đức... Khi HS phải nghỉ ở nhà theo cha mẹ đi bán vé số, lượm ve chai, cô lại dành thời gian dạy kèm riêng.

Bận rộn suốt 25 năm nay, cô Tươi đã xóa mù chữ cho gần 900 trẻ em nghèo. Không chỉ phổ cập kiến thức, cô còn giúp nhiều HS được vào trường chính quy. Hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 9, cô lại ngược xuôi đến từng trường THCS ở TP HCM để xin cho các em được vào học. HS không có khai sinh, hộ khẩu, cô cùng UBND xã tìm mọi cách giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có thể cắp sách đến trường.

Trong nhiều cuộc chuyện trò với tôi, cô Tươi chưa một lần nhắc đến sự vất vả của mình. Với cô, dạy HS chữ nghĩa, dạy các em làm người đã là niềm vui, sự hạnh phúc. Sâu xa hơn, cô còn mong mỏi học trò của mình được học cao hơn để sau này các em không khổ nhọc như cha mẹ mình.

Những món quà tỉ mẩn

Bằng một cách khác, anh Lê Văn Thái - thợ sửa xe trên đường Hồng Lạc, quận Tân Bình, TP HCM - cũng âm thầm tiếp sức cho HS nghèo. Thường xuyên gặp mấy bà ve chai mang đến bán những chiếc sườn xe đạp còn tốt, anh mua để đó. Dành dụm được ít tiền, anh sắm thêm từng bộ phận rồi tự tay lắp ráp dần. Ráp thành chiếc xe chạy tốt rồi, anh còn tỉ mẩn ngồi sơn phết kỹ càng và mua thêm tem, giấy decan dán lên.

“Nhiều khi xe vừa làm xong, có người hỏi mua cả triệu đồng nhưng tôi cương quyết không bán. Hồi nhỏ, vì nhà nghèo nên tôi phải nghỉ học sớm, lớn lên không biết chữ mà thua sút người ta. Thấy nhiều HS nghèo phải đi bộ đến trường, tôi bèn tính chuyện ráp xe đạp dành tặng các em” - anh Thái tâm sự.

Thời gian đầu, anh để ý tìm hiểu trong những xóm trọ, khu lao động nghèo có HS nào thiếu phương tiện đi học là đích thân mang xe tới tặng. Sau này, quen mấy cô ở Chi hội Từ thiện Bình Phú Đông (quận Tân Bình), anh đem xe tới nhờ họ làm cầu nối trao tặng các em.

Thật thà, chất phác và kiệm lời, anh Thái cho rằng việc mình làm chẳng có gì đáng nói. “Mình nghèo nhưng vẫn còn nhiều người khác nghèo hơn, giúp được gì cho họ thì giúp thôi. Mình làm vì thương các em HS nghèo chứ không nghĩ đến chuyện gì khác. Nhìn các em HS vui sướng khi nhận xe đạp mới là mình đã hạnh phúc lắm rồi” - anh bộc bạch.

Chắt chiu từng đồng

“Một người giàu thì dễ dàng làm việc thiện còn với anh Thái, muốn giúp đỡ người khác, anh phải chắt chiu từng đồng. Càng đáng cảm phục hơn khi anh vẫn chưa có nhà cửa, phải thuê tiệm sửa xe vài mét vuông với giá 4 triệu đồng/tháng. Dưới đất, anh dùng để sửa xe, còn căn gác nhỏ xíu phía trên làm chỗ ăn ở, nấu nướng và cả gia đình 2 vợ chồng cùng 4 con nhỏ sống chen chúc. Vậy mà hôm nhận 300.000 đồng tiền thưởng, anh cũng đưa lại tôi, nói là để góp cho người nghèo. Khi tôi cương quyết bảo đem tiền về đãi vợ con ăn một bữa ngon thì anh đành nhận, nói là sẽ để dành làm thêm chiếc xe đạp…” - bà Nguyễn Thị Cúc, Chánh Văn phòng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông, cảm động kể lại.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo