Vụ việc xảy ra ở Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận, trụ sở tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, tháng 3-2007, Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tôm sú và các loại giống hải sản khác, với quy mô sản xuất 600 triệu con tôm post/năm, vốn đầu tư 19,2 tỉ đồng. Theo quy định, Công ty Uni-President Việt Nam được hưởng một số ưu đãi về thuế như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (kể từ khi có thu nhập chịu thuế), giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% được áp dụng trong 15 năm khi bắt đầu hoạt động.
Đến tháng 8-2011, Công ty Uni-President Việt Nam xin thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất lên 2,1 tỉ con tôm post/năm với vốn đầu tư tăng lên 148,3 tỉ đồng.
Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO) có nhiệm vụ là cơ quan “một cửa liên thông” nên đã tiếp nhận hồ sơ mở rộng dự án của Công ty Uni-President Việt Nam. Với chức năng được giao, lẽ ra EDO phải phối hợp với Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận xác minh, sau đó đề xuất để Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tham mưu UBND tỉnh áp dụng các khoản thuế theo quy định đối với Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận khi mở rộng quy mô kinh doanh. Theo đó, không áp dụng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi vì công ty này đã hoạt động hơn 4 năm. Đằng này, EDO đã tham mưu trực tiếp với UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận như một dự án mới. Do vậy, doanh nghiệp này tiếp tục hưởng lợi từ các khoản thuế suất ưu đãi.
Cuối năm 2014, qua thanh tra, Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận xác định thu nhập tăng thêm từ việc mở rộng quy mô kinh doanh của Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận trong 2 năm 2011-2012 là 25,6 tỉ đồng, tổng thu nhập là 54,4 tỉ đồng. Nếu căn cứ vào các quy định về thuế, công ty này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm nói trên gần 5,4 tỉ đồng; đồng thời, xác định số tiền xử phạt chậm nộp thuế là 2,5 tỉ đồng, xử phạt quy định về thuế 540 triệu đồng.
Sau khi phát hiện khoản thất thu thuế nói trên, đầu tháng 3-2015, Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu lại với UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận để thu hồi số tiền thuế bị thất thoát. Tuy nhiên, kiến nghị này không được thực hiện. Cuối tháng 4-2015, Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xử lý vụ việc. Ngày 12-5-2015, UBND tỉnh Ninh Thuận họp với các đơn vị chức năng, quyết định truy thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận và xử phạt về thuế; riêng khoản tiền chậm nộp thuế thì không xử lý.
Đến nay, đã hơn một năm nhưng các khoản thuế nói trên vẫn chưa thu được. Lý do, Công ty Uni-President Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận cho rằng họ hoạt động kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh.
Trả lời về việc tham mưu “vượt quyền” này, ông Trương Xuân Vĩ, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT (nguyên Giám đốc VEDO), nói sẽ “hỏi lại anh em ở EDO”. Một ngày sau, khi phóng viên liên hệ lại thì ông Vĩ cho biết: “EDO chưa… báo cáo”(!).
Vấn đề đặt ra là vì sao với việc tham mưu “vượt quyền” của EDO nhưng lãnh đạo UBND tỉnh vẫn chấp thuận để dẫn đến việc thất thu thuế như đã nói trên?
Bình luận (0)