xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thâm nhập “rừng ma”

Bài và ảnh: SƠN TÙNG

Tập tục truyền thống của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên hiện vẫn tồn tại nhiều hình thức kỳ lạ và bí ẩn như rừng núi ngàn đời nơi đây. Tục táng hay phép ứng xử với người chết là một trong những điều kỳ bí đó

Phải nhờ các chiến sĩ Đồn Biên phòng 673, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei – Kon Tum thuyết phục mãi, chúng tôi mới được già làng A B’lá ở làng Vai Trang đồng ý dẫn đường vào nghĩa địa táng treo của người Dẻ Triêng nằm trong một khu rừng.
 
Già A B’lá cho biết dân làng vẫn quen gọi khu rừng linh thiêng bậc nhất này là Gô kuăm - rừng ma hay nghĩa địa quỷ. Không một người Dẻ Triêng nào dám vào “rừng ma”, trừ khi phải đến táng treo người chết.

img
Một góc “rừng ma”, nơi táng treo người chết của dân làng Vai Trang, xã Đắk Long, huyện Đắk Ki, tỉnh Kon Tum

Bất khả xâm phạm


Khu rừng thiêng của người Dẻ Triêng cách làng Vai Trang không xa, ẩn mình dưới những sườn núi sừng sững, âm u. Đoàn chúng tôi gồm 6 người, trong đó có thiếu tá biên phòng Lê Văn Hội, vẫn không đủ sức trấn an già A B’lá. Ông đi phía trước dẫn đường mà cứ như bị đẩy vào lưng, rón rén từng bước, miệng không ngừng lầm rầm khấn vái...


Cách tuyến đường nhựa dẫn vào Đồn Biên phòng 673 chỉ vài chục mét, đường vào “rừng ma” đã không còn lối đi. Lau lách và lồ ô mọc ngang dọc, lá cây mục ngập lút bàn chân.

Vượt qua vài ngôi mộ mới chôn cất kiểu người Kinh được xây gạch, che mái tôn, cả khu rừng mênh mông hiện lên hoang vắng đến rợn người. Chúng tôi nắm lấy áo nhau, lần theo từng bước chân dò dẫm của già A B’lá.

Khi còn cách khu táng treo khoảng vài chục mét, già A B’lá níu áo thiếu tá Hội, run rẩy: “Thôi..., chỉ nhớ đường đến đây thôi...”. “Rừng ma” đón những người đầu tiên sau gần 10 năm kể từ ngày hai người cuối cùng, ông bà A B’rót - Y Bay, được táng treo tại đây.


Trước mặt chúng tôi là những quan tài để lơ lửng dưới tán rừng không một chút ánh sáng mặt trời lọt xuống. Trái với hình dung của tôi, táng treo không phải là treo người chết bằng dây mà thay vì đào huyệt chôn dưới đất, người Dẻ Triêng dùng 2 hoặc 4 cọc gỗ nâng quan tài lên lơ lửng.

Nhiều quan tài gỗ tròn đã mục nát, rơi xuống đất, chìm khuất trong đám lau lách và dây leo rừng. Cặp quan tài của vợ chồng cụ A Ỏn - Y Xơu nổi bật với những thân gỗ tròn, có lẽ nặng tới cả tấn, song đã có dấu hiệu mục nát. Phía dưới quan tài của cụ ông A Ỏn có một quan tài nhỏ.

Già A B’lá thì thào: “Đó là cháu nội nó, chết khi 2 tuổi. Có cháu không may bị chết, người Dẻ Triêng thường treo dưới quan tài của ông như vậy. Cháu gái chết thì được treo dưới quan tài của bà”.


Cách không xa quan tài vợ chồng cụ A Ỏn là cặp quan tài bằng nhôm sáng lóng lánh của vợ chồng ông A B’rót - Y Bay, xung quanh vương vãi nhiều mảnh chum, chóe, bát đĩa, đồ nhôm. Theo già A B’lá, con cháu của vợ chồng ông A B’rót là những người giàu có và họ mua cặp quan tài cho ông bà với giá hàng chục triệu đồng.


Khi chúng tôi đến cạnh những chiếc quan tài để chụp hình, già làng A B’lá vẫn nhất quyết đứng xa xa không chịu tới gần. Theo thiếu tá Hội, ngoài già làng A B’lá, chưa một người Dẻ Triêng nào dám bước vào “rừng ma” này.

“Kể cả khi trâu, bò đi lạc vào rừng, họ cũng chỉ dám đứng ngoài chờ. “Rừng ma” là bất khả xâm phạm. Hai năm trước, làng Vai Trang đã đòi phạt vạ làng Đắk Tu bên cạnh vì dân làng này lỡ làm cháy một vạt “rừng ma” trong mùa đốt rẫy. Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng chúng tôi đã phải đứng ra hòa giải, dàn xếp mới yên chuyện”- thiếu tá Hội cho biết.


Trên đường từ “rừng ma” trở ra, già A B’lá đi như chạy. Khi đã ra khỏi rừng, ông than thở: “Không biết lấy lễ đâu mà cúng cho nó đây. Không cúng, nó theo về là khổ lắm!”.


Không muốn nằm khuất trong đất


Tại ngôi nhà của già A B’lá ở làng Vai Trang, chúng tôi được ông kể về tục Boong plêng – táng treo của dân tộc Dẻ Triêng.


Già A B’lá dẫn chúng tôi ra vườn, đến bên cỗ quan tài được gia đình chuẩn bị cho cụ A Nan, bố vợ ông. Cỗ quan tài làm bằng gỗ dổi, do 30 trai làng làm liên tục 3 ngày ở rừng mang về. Cỗ quan tài của cụ A Nan cũng như của người Dẻ Triêng nói chung thường được tạc từ nguyên khối gỗ.

Già A B’lá cho biết: “Khi chết, nó được treo vĩnh viễn trong “rừng ma”. Chúng tôi thắc mắc về chuyện vì sao người Dẻ Triêng không chôn người chết xuống đất, già A B’lá lắc đầu: “Chịu thôi! Theo ông bà mà”.


Đến làng Đắk Tu kế bên, chúng tôi được hai cụ A Lum và A Nhôm, đều khoảng 70 tuổi, giải thích về tục Boong plêng: “Chỉ những người giàu có và có uy tín mới được làng cho táng treo. Người Dẻ Triêng không muốn họ rời xa buôn làng, không muốn họ nằm khuất trong đất mà muốn hằng ngày vẫn được gần người mà mình kính trọng”.

Cách giải thích này có điều mâu thuẫn vì hầu hết những người chúng tôi gặp ở 9 khu làng Dẻ Triêng vùng Đắk Glei đều rất sợ linh hồn người chết và không bao giờ dám bén mảng đến “rừng ma”.


Cũng ở Đắk Glei, chúng tôi được nghe chuyện ông A Tôi, cựu chủ tịch xã Đắk Nhoong, “treo” con gái của mình ngay sát đường đi vì muốn hằng ngày được nhìn thấy người con cưng không may chết trẻ.

Đoạn đường ngang qua quan tài cô gái này sau đó bị dân làng bỏ luôn không qua lại. Chính quyền địa phương phải “đền bù” 3 triệu đồng, gia đình ông A Tôi mới chịu chuyển quan tài con lên “rừng ma”!


Trâu hiếm, táng treo ít dần


Ở làng Vai Trang, ông A B’rót và vợ, bà Y Bay, là những người cuối cùng được táng treo. Già A B’lá nhớ lại: “Hơn 30 trai làng phải vào rừng cả tuần mới làm xong quan tài bằng gỗ sao cho tụi nó. Đám tang mổ 2 con trâu, cả làng ăn tiệc cả tuần lễ”.


Già A B’lá cho biết theo tục lệ của người Dẻ Triêng, khi có người sắp chết và được làng quyết định táng treo, tất cả thanh niên sẽ cùng nhau lên rừng tìm gỗ tốt để làm quan tài. Tất cả các công đoạn làm quan tài cho người được làng kính trọng phải hoàn toàn thủ công và bằng sức người.


Để thể hiện sự kính trọng người chết, những ngày diễn ra đám tang, tất cả dân làng đều tình nguyện đến làm bất cứ việc gì phục vụ tang chủ. Để đáp lễ dân làng, thân nhân người chết phải mổ trâu, làm tiệc liên tục ít nhất 3 ngày.

“Không có trâu thì không táng treo được mà trâu thì ngày càng hiếm. Đó cũng là lý do gần chục năm nay, làng Vai Trang không có ai táng treo nữa” - già A B’lá giải thích.


Kỳ tới: Thế giới tượng nhà mồ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo