Với chủ đề “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai”, cuộc đối thoại do Đại sứ quán Thụy Điển, đại diện cho các nhà tài trợ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 25-11.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng tham nhũng hiện đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý tài sản công. “Dư luận quần chúng bức xúc, cộng đồng quốc tế lo ngại trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” - ông Truyền nhìn nhận.
Các nhà tài trợ cũng cho rằng đã có những cam kết chính trị và xây dựng các quy chế, luật pháp nhưng quá trình thực thi còn yếu và chậm. “Tham nhũng trong quản lý đất đai gây mất niềm tin, nó ảnh hưởng đến mọi người, đặc biệt là người nghèo và cản trở đến sự phát triển của VN” - đại sứ Thụy điển Staffan Herrstrom nhận định.
Theo nhóm nghiên cứu về những rủi ro trong quản lý đất đai của Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB), 85% hộ gia đình khẳng định có liên quan đến tham nhũng, 30% doanh nghiệp cho biết trong các giao dịch nhà đất, họ phải có tiền “lót tay”. Người dân hầu như không được tiếp cận những thông tin trong lĩnh vực cấp và chuyển nhượng quyền sử dụng đất/sở hữu nhà. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) tại 10 tỉnh, thành thì chỉ có 4,27% ở cấp xã được tiếp cận về kế hoạch đền bù hỗ trợ và tái định cư, 23% được tiếp cận về quy hoạch đô thị. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ 70%-80% trong số các vụ khiếu kiện là liên quan tới đất đai và chỉ số minh bạch trên thị trường bất động sản, trong đó thông tin về đất đai ở VN luôn đứng thứ hạng thấp.
Chuyên gia WB James Anderson cho rằng doanh nghiệp nhận tiền hối lộ nhà đất càng làm giảm số thuế đóng cho Nhà nước và làm tăng khoản nợ công. Đại diện của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng tuy VN đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng nhưng tình trạng này chưa được cải thiện, cách xử lý còn lúng túng. “Số lượng đất đai, tiền của Nhà nước bị thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, hàng trăm cán bộ bị phát hiện, xử lý” - vị đại diện Quốc hội cho biết.
Tại buổi đối thoại, Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom cho rằng việc Chính phủ VN đồng ý thảo luận về tham nhũng đã thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng đến cùng.
Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ:
Xây dựng tiêu chí đánh giá về tham nhũng
VN có quyết tâm giải quyết tham nhũng nhưng xử lý chưa nghiêm minh. Theo ông Truyền, phải “phòng” là chính để tham nhũng ít xảy ra và phải xử lý kịp thời để không gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời phải xây dựng tổng thể và hoàn thiện cơ chế mới giải quyết được tận gốc tham nhũng. Ông Truyền cho biết Thanh tra Chính phủ hiện đang xây dựng tiêu chí đánh giá về tham nhũng. |
Bình luận (0)