Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa VIII đã khép lại với hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề chống tham nhũng và nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.
Dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu về tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri TP sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đại biểu (ĐB) Trần Văn Thiện bức xúc: Chủ tịch nước nói rất buồn và xấu hổ khi Việt Nam là một trong những nước có nạn tham nhũng cao so với thế giới. Vậy mà, trong báo cáo của UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 đề cập về vấn đề chống tham nhũng rất ngắn và cho biết năm 2015, TP đã tiến hành 151 cuộc thanh tra tại 341 đơn vị. Kết quả, chỉ phát hiện 30 đơn vị có sai phạm với 85 tỉ đồng, thu về cho nhà nước chỉ 31 tỉ đồng và 3 căn nhà.
“Một kết quả rất khiêm tốn và nếu đúng tham nhũng chỉ có vậy thì rất phấn khởi. Còn nếu không phải thì tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy? Phải chăng vì vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe người dân nói: chống tham nhũng, chống ai, ai chống?” - ĐB Thiện trăn trở.
Theo đó, dù là buổi thảo luận tại hội trường nhưng Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Thị Ngọc Nga đã đăng đàn trả lời. Bà Nga khẳng định: “Chín tháng đầu năm 2015, qua thanh tra, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP HCM; kiểm tra xử lý nội bộ cũng không phát hiện trường hợp tham nhũng nào”.
Tuy khẳng định như vậy nhưng bà Nga cũng nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng tại TP “không phải chỉ toàn gam màu sáng”. “Tham nhũng ở một số ngành, lĩnh vực diễn biến rất phức tạp như đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai, mua sắm công, cổ phần hóa doanh nghiệp” - bà Nga nói.
Nhiều vấn đề dân sinh khác cũng được ĐB đề cập trong ngày làm việc thứ hai. ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng phải có những giải pháp mạnh để cải cách hành chính, nhất là xây dựng chính quyền điện tử. Nếu không làm quyết liệt sẽ tạo ra sức ì của nền hành chính, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận đây là vấn đề bức xúc rất nhiều từ người dân. “Phải làm sao để cán bộ, công chức hiểu được rằng cái áo anh mặc, chén cơm mình ăn là do dân nuôi” - bà Tâm nhấn mạnh.
Trước những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác cán bộ, quản lý hành chính mà ĐB nêu, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cho rằng: Sở Nội vụ đã có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhưng hơn ai hết là thủ trưởng đơn vị nên xem công chức đơn vị mình có học không và học rồi có thực thi không? Nếu không thực thi thì chúng ta phải đánh giá phân loại và gắn việc này với tinh giản biên chế theo nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ. “Cải cách hành chính có chuyển biến hay không phụ thuộc vào trách nhiệm của thủ trưởng; việc kiểm tra, giám sát và đánh giá đúng mức mức độ hoàn thành của cán bộ công chức” - ông Lắm nhấn mạnh.
Theo ông Lắm, nếu cán bộ, công chức làm không tốt thì phải đánh giá thẳng thừng là không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hoàn thành nhiệm vụ nhưng thiếu sót. Không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng thiếu sót thì đưa vào diện tinh giản biên chế.
Cũng liên quan đến cải cách hành chính, nhiều ĐB cho rằng thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn nhìn nhận so với yêu cầu phát triển đô thị thì đúng là việc cấp phép xây dựng vẫn còn những bất cập; còn có cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Ông Tuấn cho biết trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở - ngành triển khai một cửa liên thông, tập trung một đầu mối để giải quyết giấy phép xây dựng nhanh chóng cho người dân. Đến đầu năm 2016 sẽ triển khai cấp giấy phép xây dựng qua mạng điện tử đối với những trường hợp đã có quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.
Hôm nay, bắt đầu phiên chất vấn
Hôm nay (10-12), ngày làm việc thứ ba của kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
HĐND TP sẽ chất vấn tất cả vấn đề từ đầu nhiệm kỳ tới nay, liên quan đến lĩnh vực nào thì sở - ngành phụ trách trả lời. ĐB chưa hài lòng về vấn đề nào, lĩnh vực nào thì có quyền chất vấn bất kỳ giám đốc sở nào hoặc chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP.
Trước đó, ở buổi chiều ngày làm việc thứ hai, HĐND TP đã thảo luận về vấn đề ngập nước, kẹt xe và đặc biệt là việc thông qua 13 tờ trình của UBND TP HCM. Đáng chú ý là tờ trình về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016; quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; mức lệ phí cấp giấy phép xây dựng và tỉ lệ phần trăm trích để lại cho cơ quan thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP...
Bình luận (0)