Sáng 28-10, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIII, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Tham nhũng nhiều trong lĩnh vực công
Báo cáo cho thấy tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.
Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng: “Nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ vụ án và bồi thường” Ảnh: NGUYỄN NAM
Năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại khoảng trên 950 tỉ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi trên 505 tỉ đồng, đạt 55,8% (tỉ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%). 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan đã bị xử lý, trong đó xử lý hình sự 4 người. Ngành Thanh tra đã triển khai 6.515 cuộc thanh tra hành chính, 116.334 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi 52.253 tỉ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân. Năm 2015, 23 người đã nộp lại quà tặng, tổng cộng 489 triệu đồng…
“Ăn” của cả… người chết!
Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao trong xã hội; người tham nhũng ít nhìn người tham nhũng nhiều mà làm theo; người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Thậm chí, tham nhũng còn lan ra đến tận một số người dân thường, chỉ cần họ có chức trách gì đó như trông xe, gác đền, phát hàng cứu trợ. Tệ hại hơn nữa là tham nhũng cả chính sách cho hộ nghèo; chế độ cho người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, tham nhũng của cả người còn sống hay đã chết.
Ông Phương lưu ý một dạng tham nhũng tinh vi nhưng lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo cũng nêu chưa rõ, đó là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để ban hành các văn bản pháp luật có kẽ hở để tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Theo ông Phương, tham nhũng có chiều hướng phát triển một phần là do xử lý người tham nhũng chưa tương xứng với những lợi lộc mà họ được hưởng. Vì vậy, cần xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng phát hiện và xử lý tham nhũng hiện nay chưa tương xứng tình hình, chưa đáp ứng đòi hỏi của dư luận xã hội. Vì vậy, ĐB này đề nghị QH xem xét ra nghị quyết quy định với tội phạm tham nhũng thì việc tài sản thu hồi là căn cứ để tòa án xem xét khi xét xử. Theo đó, không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản thu hồi chưa đạt 100%; thu hồi tài sản càng ít thì mức án càng cao; chỉ được tha tù, đặc xá khi thu hồi được ít nhất 80% tài sản đã gây ra thiệt hại cho nhà nước.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng báo cáo nhận định tình hình tham nhũng không giảm nhưng số vụ tham nhũng bị phát hiện lại giảm chứng tỏ công tác điều tra, khám phá tội phạm tham nhũng không đáp ứng được yêu cầu. “Cần thành lập Ủy ban điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an và chỉ thành lập ở cấp trung ương, đồng thời trao cho các cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra cán bộ cấp cao khi có dấu hiệu vi phạm” - ông Thuyền đề nghị.
Cần sớm kết thúc vụ Huỳnh Văn Nén
Về hậu giám sát oan, sai của QH trong vụ Huỳnh Văn Nén, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao đã tiếp thu ý kiến của QH, chỉ đạo và kiểm tra theo thẩm quyền nên Huỳnh Văn Nén đã được tại ngoại sau 17 năm bị giam. Với những dấu hiệu oan, sai khá rõ mà đoàn giám sát đã chỉ ra, bà Nga đề nghị cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra. “Nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không” - bà Nga nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị sau khi có Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, cần cải cách toàn diện hệ thống tư pháp, cả khâu đào tạo, tổ chức bộ máy; cả điều tra, truy tố, xét xử và luật sư. Khi phát hiện dấu hiệu oan sai, đề nghị áp dụng nguyên tắc việc điều tra, truy tố, xét xử lại nên giao cho người khác, cơ quan khác không chịu ảnh hưởng, tác động của người cũ, cơ quan cũ hoặc giao cho cấp cao hơn; phải theo quy trình đặc biệt và phải sớm có kết luận. Dẫn vụ án Huỳnh Văn Nén, ông Nghĩa khẳng định: “Dấu hiệu oan sai đã rõ. Ông Nén đã bị giam hơn 17 năm, mẹ ông đã qua đời, cha đã 89 tuổi. Vì vậy, không thể bắt người ta chờ lâu hơn” - ông Nghĩa bức xúc.
Về oan sai, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng đã đình chỉ điều tra trên 2.000 bị can nhưng trong báo cáo của Chính phủ không nêu bao nhiêu trường hợp là oan sai. Chính phủ phải báo cáo rõ để QH giám sát.
Kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra
Sáng cùng ngày, tại kỳ họp thứ 10 của QH, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, QH, các đoàn ĐBQH địa phương, hoạt động phòng chống tội phạm trên cả nước trong năm 2015 đã đạt hầu hết chỉ tiêu mà QH, Chính phủ đề ra. Tổng số vụ án được khởi tố mới là 75.450, với hơn 109.000 bị can; giảm 7,01% số vụ và giảm 9,08% số bị can so với năm 2014. “Năm 2015, lực lượng công an đã xử lý 26 điều tra viên vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, trong đó 2 điều tra viên bị truy tố, xử lý kỷ luật 2 thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra bức cung nhục hình” - Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm qua 115.000 tin báo, đơn tố giác tội phạm, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 91%, triệt phá hơn 4.452 băng nhóm tội phạm. Tỉ lệ điều tra, khám phá về tội phạm trật tự xã hội đạt hơn 78%. Bắt hơn 9.000 đối tượng bị truy nã, trong đó có 2.063 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Ng.Thế
Bình luận (0)