Ngày 20-8, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1962, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết gia đình đã có đơn gửi các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng cùng Bộ trưởng Bộ Y tế khiếu nại Bệnh viện Đà Nẵng. Theo ông Tuấn, lúc 7 giờ sáng 14-8, con gái ông là chị Nguyễn Thị Phương Vy (SN 1988) bỗng dưng có triệu chứng nhức đầu kèm nôn ói và lạnh tay chân.
Mẹ chị Vy là bà Dương Thị Minh Nguyệt nghĩ con gái bị trúng gió nên đã bôi dầu và cạo gió đồng thời gọi ông Tuấn về nhà. “Khi đến nhà, tôi thấy con mình trong trạng thái yếu ớt, nguy kịch nên đã lập tức gọi xe cấp cứu, lúc này là khoảng 8 giờ sáng cùng ngày” – Ông Tuấn trình bày.
Đến 9 giờ 20 phút, chị Vy được xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng. Theo ông Tuấn, lúc này chị Vy vẫn còn tỉnh nhưng không hiểu sao bệnh viện lại cho chuyển từ khoa Cấp cứu lên khoa Hồi sức cấp cứu. Cũng theo ông Tuấn, lúc này, bệnh viện còn yêu cầu người nhà nộp CMND của bệnh nhân và tiền viện phí để chụp CT.
Giấy tờ ra viện cùng biên lai thu viện phí của bệnh nhân Vy
“Nhà tôi cách bệnh viện 6 km nhưng chúng tôi phải chạy về nhà lấy giấy tờ làm thủ tục, sau đó thì con tôi mới được chụp CT, đến 12 giờ thì bác sĩ thông báo con tôi bị xuất huyết tràn não, không thể cứu được” – ông Tuấn bức xúc.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp này, bệnh viện đã có thái độ tắc trách, chậm trễ trong việc cứu người đang nguy kịch. “Dù biết bệnh của con tôi là khó lòng cứu chữa nhưng nếu các bác sĩ tiến hành chữa trị nhanh hơn thì có lẽ không đến nỗi” – ông Tuấn đau xót.
Trong sáng ngày 20-8, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đã nhận được thông tin khiếu nại của người nhà bệnh nhân. Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay chị Vy nhập viện trong tình trạng hôn mê tương đối sâu. Ngay sau khi nhập viện, các điều dưỡng đã tiếp nhận và làm mọi thủ tục cần thiết cho bệnh nhân như khám, xét nghiệm, chụp CT… đồng thời, khoa cấp cứu cũng mời bác sĩ ngoại thần kinh đến tham gia cấp cứu, đặt ống thở cho bệnh nhân.
Khoảng 1 giờ sau khi bệnh nhân nhập viện, khoa cấp cứu chuyển Vy lên khoa hồi sức cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy đồng thời điều trị một số thuốc liên quan đến phù não.
“Do bệnh nhân còn trẻ nên chúng tôi đã quyết định cho chụp CTA (dựng hình tái tạo mạch máu não). Lúc 11 giờ 13 phút, hình ảnh sọ não của bệnh nhân đã có. Bệnh nhân Vy được hội chẩn và tình trạng không có dị dạng mạch máu não nên không tiến hành phẫu thuật. Đến 12 giờ 30 thì bệnh nhân hôn mê sâu, không cứu được” – ông Nhân trình bày. Đến 10 giờ ngày 15-8 thì người nhà xin bác sĩ đưa về và bệnh nhân tử vong tại nhà khi rút ống thở.
Theo ông Nhân, trong trường hợp này, từ lúc bệnh nhân vào viện thì các y bác sĩ đã làm việc khẩn cấp, từng giây từng phút để cứu người. Công tác điều trị cũng được thực hiện bài bản, đúng quy trình. “Gần như các bác sĩ đã làm việc rất khẩn trương, minh chứng cho thấy hình ảnh qua 2 lần chụp CT và CTA có ghi lại rõ giờ chụp. Hoàn toàn không có tình trạng bệnh viện chờ làm thủ tục hay nộp viện phí mới tiến hành cứu chữa” – ông Nhân khẳng định.
Theo ông Nhân, thời điểm chụp CT cho bệnh nhân, người nhà vẫn chưa đóng viện phí. Bằng chứng là phiếu chụp CT có dấu mộc nợ viện phí
Theo ông Nhân, có thể các nhân viên hành chính đã có cách làm việc theo thủ tục, đòi hỏi giấy tờ và đóng tiền tạm ứng nhưng không giải thích cho người nhà hiểu. “Đó là thủ tục đối với người nhà còn bên trong khoa Hồi sức cấp cứu chúng tôi vẫn tiến hành tích cực cứu chữa chứ không hề lơ là, tắc trách. Có nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch nhưng không giấy tờ, không người thân chúng tôi vẫn cứu người trước. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và nhắc nhở bộ phận hành chính khi làm thủ tục phải giải thích, tránh để người nhà hiểu nhầm” – ông Nhân trần tình.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá - Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết bệnh nhân Vy bị đột quỵ não ở thể xuất huyết tối cấp. “Đây là một ca bệnh rất khó cứu chữa ngay cả ở những nước có nền y học phát triển, còn chúng tôi đã làm việc hết sức mình để cứu bệnh nhân vì cô này còn rất trẻ. Bệnh nhân mất đi là sự đau xót vô hạn với người nhà nên chúng tôi hoàn toàn cảm thông và chia buồn” – bác sĩ Bá nói.
Cũng theo bác sĩ Bá, một nghiên cứu của y học cho thấy thống kê 50 % người mắc bệnh này đã tử vong khi chưa đến bệnh viện, 25% tử vong tại bệnh viện và 25% còn sống thì mang di chứng nặng nề.
Bình luận (0)