Chuyên cơ ATR72 (cánh quạt) chở linh cữu Đại tướng tại sân bay Nội Bài vào sáng nay 10-10 để thực hiện tổng duyệt Lễ đưa tang. Ảnh: Mạnh Duy
Trao đổi với Báo Người Lao Động trưa nay 10-10, một đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) cho biết khi bàn kế hoạch đưa linh cữu Đại tướng về an táng tại quê nhà bằng chuyên cơ, con trai út của Đại tướng, ông Võ Hồng Nam rất băn khoăn không biết gia đình có được đi theo chiếc máy bay chở linh cữu hay không.
Lãnh đạo VNA cho rằng theo phong tục tập quán của người Việt Nam, khi đưa tiễn người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng, những người thân trong gia đình đều ngồi quanh linh cữu trên xe tang. Do đó, gia đình Đại tướng cũng có thể yên tâm bay cùng linh cữu. Gia đình Đại tướng cuối cùng cũng đồng ý với phương án này.
Tại vị trí trang trọng nhất của chuyên cơ là phía trên của khoang hành khách sẽ dành để đặt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ phận kỹ thuật thực hiện tháo những hàng ghế đầu, sau đó nghiên cứu các điểm bắt vít xuống sàn máy bay ở nơi chân ghế được tháo ra để buộc chặt giá đỡ linh cữu Đại tướng, đảm bảo không bị xô lệch khi máy bay cất hạ cánh hoặc bay trong vùng thời tiết xấu.
Khoang hành khách của máy bay ATR dài hơn 27 mét, có 68 ghế ngồi. Nhưng trên chuyến chuyên cơ đặc biệt này, phía trên để linh cữu Đại tướng nên phía dưới khoang hành khách chỉ có chưa đến 40 chỗ ngồi dành cho đội Tiêu binh danh dự và thân quyến của Đại tướng. Nội thất máy bay cũng được chỉnh trang lại, có rèm ngăn giữa khu vực linh cữu với khoang khách.
Đặc biệt, tổ bay thực hiện chuyến bay danh dự này có 5 người đều là nam giới. Trong đó, cơ trưởng là người từng lái máy bay quân đội, cơ phó cũng là người có thâm niên lái máy bay lâu năm. Cả 5 người trong phi hành đoàn đều đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về điều kiện phục vụ chuyên cơ như giờ bay, kinh nghiệm khai thác, chỉ số an toàn, lý lịch trong sạch và chưa bao giờ vi phạm kỷ luật.
Không chỉ thực hiện các thao tác nghiệp vụ của 1 chuyến chuyên cơ, các nam tiếp viên còn được chỉ đạo sẵn sàng hỗ trợ các công việc liên quan đến lễ tang Đại tướng trong suốt hành trình bay.
Có tổng số 11 tiếp viên nam phục vụ cho 2 chuyên cơ phục vụ Quốc tang, trong đó có 3 tiếp viên trên ATR72 và 8 tiếp viên trên máy bay A321. Tất cả phi công và tiếp viên mặc đồng phục bay, đeo cà vạt và băng tang màu đen.
Được biết, 2 chiếc máy bay ATR72 và A321 đều xuất phát từ sân bay Nội Bài vào 11 giờ ngày 13-10. VNA cũng bố trí 2 máy bay dự bị tương ứng 2 chiếc máy bay này.
Sáng nay (10-10) chiếc máy bay ATR72 thực hiện chở linh cữu Đại tướng đã đỗ tại sân bay quốc tế Nội Bài để thực hiện tổng duyệt Lễ đưa tang.
Được biết, khi nhận nhiệm vụ bay chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình, Vietnam Airlines đã lên 3 phương án khác nhau. Các phương án lần lượt được đưa ra, bắt đầu bằng loại máy bay hiện đại nhất trong đội bay của hãng là Boeing 777-200 (B777) của Mỹ, loại khác là Airbus 321 (A321) hoặc ATR72-500 của Pháp sản xuất.
Cuối cùng, Ban tổ chức Lễ tang quyết định chọn ATR72 vì loại máy bay này phù hợp nhất để chở linh cữu Đại tướng với yêu cầu cụ thể là linh cữu được để trang trọng trên khoang hành khách, không để trong hầm hàng như đối với các chuyến bay thương mại có vận chuyển người chết thông thường.
Lý do để chọn máy bay ATR72 là ATR72 có một cửa lớn phía trước cạnh buồng lái, cửa máy bay cũng chính là cầu thang, không phải sử dụng thang nâng. Hơn nữa, chiều cao tính từ cửa máy bay so với mặt đất chỉ 2,7 m, phù hợp để đưa linh cữu Đại tướng vào bên trong bằng tay một cách trang trọng.
Tuy nhiên, so với 2 phương án còn lại, ATR 72 là loại máy bay thân hẹp 1 lối đi, tầm bay ngắn 1,685 km nên bay ở tầm thấp và rung lắc hơn so với B777 và A321. Nhược điểm này đã được khắc phục vì vào cùng thời điểm, Ban tổ chức Lễ tang sẽ đi trên một chuyến chuyên cơ khác đến Quảng Bình bằng máy bay A321.
|
Bình luận (0)