Chiều 5-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có họp kín để nghe báo cáo của Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương về đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.
Sau cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến chắc chắn được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc ngày 21-5 tới đây.
Sáng cùng ngày, trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ bàn công tác nhân sự của Quốc hội trong một buổi sáng thứ 7 (ngày 26-5).
Thảo luận về chương trình kỳ họp thứ 3 sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề nhân sự phải làm vào đầu kỳ họp nhưng không nhất thiết phải ngay ngày khai mạc, mà có thể xem xét vào ngày cuối tuần đầu tiên của kỳ họp. Song Chủ tịch QH cũng lưu ý cơ quan hữu quan phải làm cẩn thận, khách quan, đúng quy trình.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương đề xuất, phải ghi rõ vào chương trình nội dung “Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, có báo cáo tại Quốc hội trước khi các đoàn thảo luận về nhân sự”.
Về việc này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đã nghiên cứu quy trình bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và Quốc hội khóa trước cũng đã có tiền lệ bãi nhiệm đại biểu Mạc Kim Tôn (Thái Bình).
“Chúng tôi đã nghiên cứu các quy định về bãi nhiệm này. Theo đó, sẽ có họp với trưởng đoàn, họp các đoàn để thảo luận, tiếp đến là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội ý và báo cáo ra Quốc hội. Sau đó, đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu tại Quốc hội trước khi Quốc hội bỏ phiếu quyết định” - ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày.
Trước ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nói: “Tôi tin chị Hoàng Yến cũng sẽ phát biểu về vấn đề của mình”.
Trước đó, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ là đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Quốc hội, còn quyền quyết định việc bãi nhiệm thuộc về Quốc hội. Theo đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến chỉ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khi có tối thiểu 2/3 trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm.
Trước đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An ngày 17-4 đã thống nhất đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi miễn đại biểu Quốc hội do không trung thực trong việc khai lý lịch đại biểu Quốc hội.
Trong cuộc họp ngày 18-4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã biểu quyết với 100% ý kiến nhất trí với đề nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh Long An về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Quy trình bãi nhiệm đại biểu QH Về quy trình bãi nhiệm một ĐBQH, Điều 56 của Luật Tổ chức QH quy định: "ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ QH quyết định việc đưa ra QH bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm ĐBQH theo đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra ĐBQH đó. Trong trường hợp QH bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban Thường vụ QH quy định".
|
Bình luận (0)