2 tàu ngầm lớp Kilo 636 đang neo đậu tại nhà máy Admiralty Verfi - Ảnh: News.mail.ru
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quân sự nước này cho biết 2 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mà Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam, mang tên tàu ngầm “Hà Nội” (mang ký hiệu HQ-182) và “Thành phố Hồ Chí Minh” (HQ-183), sẽ có chuyến hành trình tự bơi về Việt Nam qua vùng biển châu Phi.
2 tàu ngầm “Hà Nội” và “Thành phố Hồ Chí Minh” đã trải qua các đợt thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm cấp Nhà nước một cách xuất sắc, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu. Trong đó tàu ngầm “Thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn thành chuyến lặn sâu 190 m trên biển.
Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam sẽ được bắt đầu vào cuối tháng 7 này tại thành phố Saint-Peterburg.
Trả lời câu hỏi của Đài Tiếng nói nước Nga về việc tàu ngầm từ Nga sẽ được chuyển đến Việt Nam bằng cách nào, ông Victor Litovkin, chuyên viên quân sự Nga, cho biết: “Bằng cách cho tàu bơi sang Việt Nam, tại sao lại không chứ? Những chiếc tàu ngầm này đủ sức làm được điều đó, đã vượt qua các kỳ kiểm tra nghiêm túc và đến thời điểm sẵn sàng thì sẽ có cả thủy thủ đoàn Việt Nam đã được đào tạo thành thục. Tàu có thể đi qua kênh đào Suez và vòng quanh châu Phi”.
Trong khi đó, hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Tổng giám đốc tập đoàn NPO “Avrora” Konstantin Shilov cho biết việc thành lập trung tâm đào tạo các thủy thủ tàu ngầm ở Việt Nam đang được hoàn thành và trung tâm sẽ có thể tiếp nhận những học viên đầu tiên của mình vào tháng 11 tới.
Ở Việt Nam đã xây dựng 2 tòa nhà với tổng diện tích hơn 10 ngàn m2. “Nga đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển lực lượng tàu ngầm của nước này” - ông Konstantin Shilov nói.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ ra đời trong năm 2013. Ông nói: “Trong năm nay, nỗ lực chung của hai nước là mở trang mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời của lực lượng tàu ngầm”.
Tàu ngầm "Hà Nội" đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm, đang sẵn sàng lên đường về Việt Nam - Ảnh: QĐND
Theo kế hoạch, sau khi bàn giao cho Việt Nam 2 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi của Nga sẽ hạ thủy tàu ngầm thứ 3 trong số 6 tàu ngầm đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Chiếc tàu ngầm dự kiến mang tên “Hải Phòng” này sẽ tiến hành thử nghiệm từ cuối năm nay 2013.
"Cũng trong năm 2013 nhà máy sẽ khởi đóng chiếc tàu ngầm thứ 4" - Itar-Tass dẫn nguồn tin công nghiệp đóng tàu Nga cho biết. Trước đó, tháng 2-2013, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi cũng đã bắt đầu việc cắt kim loại cho chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ 6. Đây cũng là chiếc tàu ngầm cuối cùng trong đơn đặt hàng 6 tàu ngầm loại này của Việt Nam.
Tàu ngầm điện-diesel project 636 Varshavyanka, NATO định danh là Kilo, thuộc thế hệ tàu ngầm thứ 3. Ưu thế quan trọng nhất của Kilo 636, theo các chuyên gia, là có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép tích hợp vũ khí tối tân, bao gồm cả tên lửa chống tàu Club, giúp mở rộng đáng kể khu vực tấn công mục tiêu.
Ngoài những vũ khí hiện đại, những tàu ngầm Kilo 636 đóng cho Hải quân Việt Nam lần đầu tiên được thiết lập các hệ thống mới nhất đảm bảo hoạt động sống của thủy thủ đoàn và các hệ thống máy tính tối tân.
Theo hợp đồng đóng 6 tàu ngầm Kilo 636 cho Việt Nam, bên cạnh việc đóng 6 tàu ngầm, hợp đồng còn bao gồm cả việc đào tạo thủy thủ đoàn Việt Nam, cung cấp các thiết bị và vật tư cần thiết.
Tàu ngầm lớp Kilo 636 là thế hệ tàu ngầm thứ 3, được thiết kế với nhiệm vụ chống ngầm, chống tàu nổi và chống cả máy bay tầm thấp. Đồng thời tàu cũng hữu hiệu trong nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực bờ biển và đảm bảo thông tin liên lạc. Ngoài ra, tàu còn thực hiện nhiệm vụ trinh sát và các hoạt động tuần tra ngăn chặn thông tin liên lạc của đối phương.
Tàu Kilo 636 chạy động cơ diesel/điện thuộc loại êm nhất thế giới, được mệnh danh là “hố đen trong đại dương”, thích hợp trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.
Tàu ngầm lớp Kilo 636 dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn (tải trọng tối đa), tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m. Tàu có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý (khi chạy ở tốc độ 7 hải lý/h), thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.
Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, tên lửa chống tàu Club-S, 24 quả thủy lôi, tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc 8 tên lửa 9K38 Igla.
|
Bình luận (0)