ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng do thiếu kiểm tra, giám sát đã dẫn đến thủy điện phát triển tràn lan. Ảnh: Thế Dũng
Điện, xăng dầu: Độc quyền kéo dài
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thẳng thắn hỏi: Vì sao vấn đề xóa bỏ độc quyền trong ngành điện, xăng dầu đặt ra từ lâu nhưng lộ trình thực hiện cần đến 17 năm? Đối với mặt hàng xăng dầu, do cách giải quyết không cương quyết, dứt điểm của cơ quan chức năng đã dẫn tới độc quyền kép. Bao giờ tình trạng này chấm dứt? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích đây là 2 lĩnh vực hết sức quan trọng nên xóa bỏ độc quyền cần phải thận trọng. Đối với ngành điện, lộ trình tương đối dài, vì bất cứ sự thay đổi nào cũng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nên phải vừa làm vừa hoàn chỉnh. Còn với xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn chiếm đến 60% thị phần do vấn đề lịch sử để lại. “Tuy nhiên, để kéo dài độc quyền, tôi xin nhận một phần trách nhiệm” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn.
Không hài lòng với giải trình của tư lệnh ngành công thương, ĐB Bùi Mạnh Hùng phê phán: “Bộ Công Thương chưa tích cực. Phải chăng bộ trưởng thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân? Tôi rất băn khoăn về lộ trình xóa độc quyền vì sao phải kéo dài như vậy, càng để lâu càng bất lợi cho nền kinh tế”. Một lần nữa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin nhận trách nhiệm và hứa sẽ làm quyết liệt hơn. Liên quan đến việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết vấn đề chống độc quyền trong ngành điện đã được Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, không có việc lơi lỏng hay thiếu trách nhiệm giữa các bộ, ngành. “Một trong những lý do làm chậm quá trình là do chúng ta phải ứng phó với khủng hoảng kinh tế” - Phó Thủ tướng nói.
Thủy điện: Phát triển tràn lan
Những bất cập trong xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện nhỏ dù liên tục được chất vấn tại nhiều kỳ họp trước nhưng tại kỳ họp này vẫn tiếp tục nóng. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đặt câu hỏi: “Hầu hết các công trình thủy điện xây dựng ở miền núi, chủ yếu ở khu vực đầu nguồn nhưng lại thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng thủy điện phát triển tràn lan, phá rừng không thể kiểm soát được. Bộ Công Thương có giải pháp gì khắc phục?”. ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) bổ sung: “Vì sao đã có 195 dự án thủy điện được đưa vào vận hành, 66 dự án có đập đã đến thời kỳ kiểm định nhưng mới kiểm định xong 11 đập? Như vậy có bảo đảm chất lượng vận hành thủy điện hay không?”.
Cho rằng đây là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “rào trước” với QH xin dành thời gian để giải thích cho cặn kẽ. Bộ trưởng cho biết cả nước có 1.097 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất khoảng 24.000 MW. Đến nay đã có 195 dự án đưa vào vận hành, chiếm 40% về số lượng và 75% về công suất. Theo thống kê, để có 1 MW công suất thủy điện phải sử dụng 6,2 ha đất các loại nên việc trồng trả lại rừng là không đơn giản. Tuy thế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công tác kiểm định đập thủy điện chưa đạt tiến độ yêu cầu mà một trong những nguyên nhân do thiếu trách nhiệm. Bộ trưởng lại nhận khuyết điểm: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và hứa sẽ hoàn thành muộn nhất đầu năm 2014”.
Chống gian lận thương mại: Thừa nhận có tiêu cực
Một vấn đề đáng chú ý khác là tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng đang diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng sản xuất hàng hóa trong nước, uy tín của doanh nghiệp, sức khỏe người dân. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) hỏi: “Bộ Công Thương có giải pháp gì cho vấn đề này?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc chống buôn lậu, gian lận thương mại đang là vấn đề rất cấp bách. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương để giải quyết. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng thừa nhận việc chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả tràn từ nước ngoài về Việt Nam là rất khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan là công tác kiểm tra, giám sát hải quan còn nhiều yếu kém; việc xử phạt hành vi gian lận thương mại chưa đủ sức răn đe. Trong nhiều vụ, việc chế tài, xử phạt hiện nay là nhẹ. Ngoài ra, lực lượng QLTT khả năng cũng có hạn, có xảy ra tiêu cực, góp phần cho hành vi gian lận thương mại có đất phát triển.
Trả lời chất vấn của một số ĐBQH về giải pháp nào ngăn chặn tình trạng thương lái Trung Quốc vào sâu nội địa thu mua nông sản, quỵt tiền của nông dân, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp hàng hóa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có sự lộn xộn này. Để khắc phục, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các sở tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có thương nhân nước ngoài vi phạm. |
Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn?
Sự cố thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước 75 lít/giây được xới lại tại phiên chất vấn. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) yêu cầu bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời rõ về sự cố này để người dân yên tâm. Trong phương án khắc phục, có tính đến phương án di dời dân hay không? Trách nhiệm gây ra sự cố thuộc về ai ? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chung chung: Đây là sự cố hy hữu. Phải xử lý an toàn, không để xảy ra vỡ đập. Việc di dân sẽ phải tính sau. Trách nhiệm liên quan đến ai thì cũng phải tính...
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đập vẫn an toàn. Thủy điện bị thấm sau 4 tháng tích nước, chứ không phải sự cố rò rỉ nước. Đây là hiện tượng bình thường và chủ đầu tư đang quyết liệt thực hiện việc chống thấm. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ kiểm tra chéo về mức độ an toàn. Nếu đã an toàn thì không di dời dân. |
Cấp bách giải phóng hàng tồn kho ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) đặt 2 câu hỏi mà theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là “đúng định hướng”: Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề giải quyết hàng tồn kho? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận giải phóng hàng tồn kho là vấn đề trọng tâm, Chính phủ chỉ đạo phải khẩn trương giải quyết. Trong 5 tháng qua, hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng tăng 20%-25% so cùng kỳ năm trước. “Giải pháp mà chúng tôi đề xuất, trước hết, tập trung vào các sản phẩm của nông dân như gạo, cà phê, muối. Đối với gạo, năm 2012 xuất khẩu không gặp thuận lợi. Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp mua gạo dự trữ vào tháng 4 nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước. Về muối, đã mua 200.000 tấn muối của diêm dân, giải quyết đầu ra cho nông dân. Riêng sản phẩm công nghiệp sẽ triển khai việc đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường hơn nữa việc sử dụng hàng Việt Nam... Chúng tôi nghĩ giải quyết hàng tồn kho là trách nhiệm của toàn xã hội. Bản thân doanh nghiệp phải chủ động giải quyết. Ngay sau khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói về các giải pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hàng tồn kho tăng 20%-30% là chuyện cấp bách phải nhanh chóng giải quyết. Do vậy, Bộ Công Thương phải làm rõ từ nay đến cuối năm có giải phóng được không? Nếu không giải phóng được thì nợ chồng lên nợ, doanh nghiệp càng khó khăn hơn khi kéo dài nợ ngân hàng. |
Bình luận (0)