Chiều ngày 10-12, trung tá Trịnh Cao Cường, Đội trưởng Đội đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ - Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết qua rà soát từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.055 phương tiện hết niên hạn sử dụng và hết niên hạn vào ngày 31-12 tới đây.
Theo trung tá Cường, thực hiện Kế hoạch số 145/KH-CAT-PC67 của Công an tỉnh Thanh Hóa và Kế hoạch 196/KH-CAT-PC67 (Phòng CSGT) về “Mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng, phương tiện vận tải đường bộ và ngăn chặn hoạt động của phương tiện hết niên hạn sử dụng, không có hoặc hết hạn kiểm định hoạt động trên địa bàn tỉnh”, đã gửi thông báo tới các công an huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác rà soát, yêu cầu các chủ phương tiện đã hết hạn sử dụng tới cơ quan công an để làm thủ tục xóa sổ phương tiện. “Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện và bắt giữ 181 phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng. Ngoài phạt tiền theo quy định, chúng tôi đã yêu cầu chủ phương tiện phải phá hủy, cắt bỏ xe ngay tại chỗ” - trung tá Cường khẳng định.
Cũng theo trung tá Cường, việc xử lý xe quá niên hạn sử dụng chưa triệt để là do nhiều chủ phương tiện khi sang nhượng xe cho chủ khác, hay sang địa bàn tỉnh khác đã không báo cáo cơ quan chức năng để làm thủ tục thu lại biển số xe.
Thiếu tá Lê Đức Thắng, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên thực tế số xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh đã được xóa sổ gần hết, nếu còn xe nào khi phát hiện tham gia giao thông sẽ bị bắt giữ, xử lý ngay tại chỗ. “Chúng tôi cũng rất mạnh tay, xử lý triệt để những phương tiện hết niên hạn, sau khi gửi thông báo tới công an các huyện, thị, chúng tôi phối hợp với địa phương rà soát danh sách những chủ phương tiện tới từng thôn bản, đa số những xe hết đát đã được chủ phương tiện bán thanh lý cho sắt vụn” - thiếu tá Thắng nói.
Theo tìm hiểu, xe hết niên hạn sử dụng thường lưu hành trên các huyện miền núi, dùng để chở sắn, ngô, mía cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Chủ phương tiện này thường chở hàng ở đường rừng núi, quanh co vào đêm khuya, đây là những thời điểm vắng lực lượng CSGT.
Về việc này, thiếu tá Thắng cho biết vụ ép mía năm 2015 - 2016, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với những nhà máy thu mua mía trên địa bàn phải thực hiện cam kết không chở quá khổ, quá tải, sử dụng xe không đảm bảo kỹ thuật và hết niên hạn sử dụng. Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. “Nếu phương tiện nào vi phạm, lại là doanh nghiệp, mức phạt tối đa sẽ lên tới 41 triệu đồng” - thiếu tá Thắng nói.
Bình luận (0)