Hội thảo nhằm thu thập ý kiến các cơ quan, tổ chức xã hội để đề xuất các khuyến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, cho biết hội hay còn gọi là các tổ chức xã hội đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận và là nhu cầu cấp thiết, cần hiện thực hóa để đưa vào thực tiễn. Qua nhiều lần dự thảo, Luật về Hội tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, dẫn chứng hiện nay có 4 nghị định điều chỉnh việc thành lập hội và tư cách pháp nhân. Các tổ chức trong mạng lưới LIN đang trăn trở về pháp nhân của hội để có thể vận động tài trợ nhưng không thể đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương. “Lẽ đó, nhiều tổ chức phải lách luật như đăng ký doanh nghiệp nhưng lại hoạt động phi lợi nhuận, thậm chí, một số tổ chức còn đăng ký hoạt động là chi hội cấp dưới các hội do nhà nước quản lý như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM mới có thể giúp đỡ đối tượng của mình” - ông Sơn chia sẻ.
TS Phạm Quang Tú, đại diện tổ chức Oxfam, cho biết các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động ngày càng nhiều ở Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng trong vấn đề bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo. Nhiều tổ chức muốn được hoạt động chính danh nhưng không được Nhà nước cho phép. Hiện nay, quan điểm của nhà nước về quản lý các tổ chức xã hội vẫn còn khá chặt. Từ đó, ông Tú đề xuất dự thảo Luật về Hội nên thoáng hơn về trình tự thủ tục thành lập hội.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về vấn đề pháp nhân, người đại diện và phạm vi hoạt động của hội. Ông Tú cho rằng các hội khi thành lập cần phải đăng ký với nhà nước để quản lý nhưng nếu không có nhu cầu đăng ký pháp nhân như các hội đồng hương thì không nhất thiết phải đăng ký pháp nhân. Bên cạnh đó, các tổ chức chung một lĩnh vực nhưng khác tôn chỉ vẫn được quyền thành lập hội để những người cùng chí hướng tham gia.
Về phạm vi hoạt động, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho biết phải có tiêu chí rõ ràng để xác định phạm vi hoạt động của hội. Đơn cử như Hội Chữ thập đỏ tỉnh, việc kết nạp hội viên không có phạm vi và các hoạt động của hội rất rộng như đi ra nước ngoài hoặc sang các tỉnh khác nên cần mở rộng khái niệm này để mọi người được tham gia hội.
Bình luận (0)