Phù phép rút tiền Nhà nước
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình đền bù, giải tỏa tại phường Hiệp Bình Chánh, một số trường hợp được Hội đồng Đền bù (HĐĐB) quận Thủ Đức “ưu ái”, khi đền bù cao hơn 10 lần so với diện tích đất thực tế. Điển hình là trường hợp của ông Nguyễn Văn Tiếng, thường trú tại Chợ Lách (Bến Tre). Năm 1994, ông Tiếng lên TP thuê 35 m2 đất của người cô là bà Nguyễn Thị Hương ở phường Hiệp Bình Chánh, sau đó cất nhà tạm để bán cây kiểng. Nhưng khi đo đạc, Đoàn Đo đạc Bản đồ TP đã xác nhận thực tế diện tích đất này chỉ có 24 m2. Thế nhưng, ông Tiếng lại được HĐĐB quận Thủ Đức đền bù đến... 280 m2 đất (trong đó có 80 m2 đất a2, đất không thuộc phạm vi thu hồi), với số tiền gần 1 tỉ đồng và được hưởng 1 suất tái định cư! Hay như căn nhà không vách, trống không gồm 4 cây cột, vài tấm tôn, diện tích 16 m2 của bà Nguyễn Thị Hương nhưng được HĐĐB quận Thủ Đức cho hưởng... 200 m2 đất ở! Thậm chí, căn chòi chứa tro trấu diện tích 10 m2 cũng được HĐĐB lập hồ sơ cho ông Nguyễn Tấn Hải hưởng 200 m2 đất ở cộng thêm 1 suất tái định cư!...
Đất trồng cây lâu năm được đền bù... đất ở!
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra còn phát hiện sai phạm nghiêm trọng của HĐĐB quận Thủ Đức khi đền bù đất ở tại 2 thửa 25 và 26 tờ bản đồ số 3 phường Hiệp Bình Chánh. Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Hương có hộ khẩu thường trú tại phường 9, quận 8 – TPHCM. Theo hồ sơ nộp thuế hàng năm của bà Hương tại phường Hiệp Bình Chánh thì diện tích đất của gia đình bà là 11.081 m2 thuộc loại đất trồng cây lâu năm (biểu hiện tính thuế là 306 kg lúa/năm). Tuy nhiên, khi đền bù, diện tích đất trên của bà Hương lại được HĐĐB quận Thủ Đức tính giá... đất ở, bằng cách “tách” ra thành 14 hồ sơ (do bà Hương và các con, cháu đứng tên) để hưởng số tiền đền bù lên tới 13 tỉ đồng, trong khi các hộ này đều không có giấy tờ nhà, đất theo quy định của Nhà nước (hầu hết đều có hộ khẩu thường trú và nhà ở tại phường 9, quận 8).
Những việc làm khó hiểu trên của HĐĐB quận Thủ Đức khi đền bù, giải tỏa cho 23 hộ dân thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2 đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 8,8 tỉ đồng. Điều này, khiến dư luận thắc mắc: “Liệu đây có phải là những kiểu “phù phép” rút tiền của HĐĐB quận Thủ Đức?”.
9 cán bộ, nhân viên phải chịu trách nhiệm
Theo đoàn thanh tra, những sai phạm trên là hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây thất thoát số tiền lớn cho Nhà nước và chịu trách nhiệm là những cá nhân sau: Ông Huỳnh Sơn, ông Trần Thanh Trì cùng là Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh công trình giao thông 565 (Công ty 565); ông Lê Phương Nam, Phó Phòng Đền bù giải tỏa Công ty 565. Về phía HĐĐB quận Thủ Đức, chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Việt Quốc, Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch HĐĐB quận Thủ Đức; ông Dương Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐĐB quận; ông Phạm Anh Cự và ông Nguyễn Tài Nhân, đều là nhân viên tổ áp giá HĐĐB quận Thủ Đức. Phía UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức: Bà Tạ Thị Kim Anh, nguyên Chủ tịch UBND phường; ông Dương Văn Hồng, cán bộ địa chính phường. Đoàn thanh tra cũng yêu cầu chủ dự án, UBND quận Thủ Đức tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với tập thể và các cá nhân sai phạm. Ngoài ra, bản kết luận thanh tra cũng đề cập tới trách nhiệm của Hội đồng Thẩm định Đền bù giải phóng mặt bằng TP về trách nhiệm thẩm định phương án đền bù cầu đường Bình Triệu 2.
Do tính chất vụ việc nghiêm trọng, phức tạp và giá trị thiệt hại lớn (8,8 tỉ đồng), đoàn thanh tra đã đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý đúng theo pháp luật.
Bình luận (0)