xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Thánh vật ở sông Tô Lịch”, chuyện không có căn cứ

VIỆT ANH thực hiện

Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến sự kiện đậm chất huyền bí “Thánh vật ở sông Tô Lịch” đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần. Chiều 23-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, xung quanh việc này.

. Phóng viên: Ông là người đầu tiên được ông Nguyễn Hùng Cường thông tin và mời đến tiếp cận sự việc. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

img-TS Đặng Kim Ngọc: Tôi và TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) là người của cơ quan chức năng đầu tiên có mặt tại công trường thi công của đội 12 và cũng là địa điểm được ông Cường cho rằng là nơi trấn yểm thành Đại La hay Thăng Long xưa. Từ đó đến nay, quan điểm của tôi không thay đổi, đó là không đủ căn cứ và cơ sở để khẳng định đây là nơi trấn yểm của thành Đại La hay Thăng Long xưa. Bởi trên thực tế, tôi chỉ được biết về nơi phát hiện ra những cổ vật lạ 10 ngày sau khi những công nhân thi công công trình tìm thấy. Lúc đó khúc sông đã được nạo vét trơ đáy, không còn gì.

Thông tin về việc những cột gỗ được xếp theo hình bát quái, yếu tố để cho rằng đây là nơi trấn yểm của Cao Biền, là không có căn cứ. Bởi toàn bộ sự việc đều do ông Cường kể lại, nghe từ những người công nhân.

. Nhưng không phải ngẫu nhiên, mà ở khúc sông đó lại có nhiều cổ vật thường xuất hiện trong các trận đồ trấn yểm?

- Các đồ gốm, sành sứ có niên đại rất khác nhau cho thấy việc khẳng định đây là nơi trận đồ bát quái trấn yểm trấn giữ cửa thành Đại La hay Thăng Long là không có cơ sở. Bởi nếu là nơi trấn yểm thì các đồ tế lễ phải cùng thời. Việc tập trung khối lượng lớn các đồ gốm, sành sứ vỡ nát có giải thích vì khu vực này vốn là hợp lưu của sông Tô, sông Nhuệ và sông Thiên Phù, do vậy có thể là vùng nước xoáy, dẫn đến khả năng hút từ nơi khác đến.

. Còn về hội thảo về các cổ vật được tìm thấy trên sông Tô Lịch?

- Ngày 22-12-2001, Sở VHTT Hà Nội cũng đã mời các nhà khoa học đến khảo sát và tổ chức hội thảo ngay tại lán trại công trường. Hội thảo có GS Trần Quốc Vượng, PGS Đỗ Văn Ninh (hai bậc thầy khảo cổ học); ông Phạm Quốc Công (Viện Bảo tàng lịch sử)... Sau hội thảo, GS Trần Quốc Vượng và PGS Đỗ Văn Ninh cho rằng, theo lời công nhân thuật lại thì khả năng có thể là nơi trấn yểm của thành Đại La hay Thăng Long. Trong đó, theo GS Trần Quốc Vượng, đây là nơi trấn yểm thành Thăng Long. Còn theo PGS Ninh thì là nơi trấn yểm thành Đại La của Cao Biền nằm ở vị trí cửa thành phía Tây. Nhưng cả hai giáo sư cùng không khẳng định chắc chắn là bát quái. Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng kết luận không khảo cổ khu vực này và sự việc cũng kết thúc ở đây.

. Vậy thông tin về những báo ứng xảy ra với những con người liên quan đến sự việc thì sao, thưa ông?

- Có ý kiến cho là gắn những hiện tượng, sự việc trong đời thường vào những việc cụ thể như thế này là sự gắn ghép khiên cưỡng, không có cơ sở khoa học. Còn chuyện tâm linh thì trong đời thường là có và ta phải trân trọng, tôi không phủ nhận. Nhưng trong trường hợp sông Tô Lịch, không thể đưa những chuyện yếu tố tâm linh vào sự việc gia đình hay những người liên quan gặp tai nạn, đây là chỉ sự ngẫu nhiên.

Tôi không tin vì những điều ông Cường kể chưa chắc đã thật hoàn toàn. Như chuyện cố Hòa thượng Thích Viên Thành được ông Cường mời lập đàn cúng tế giải hạn và dặn dò. Thực tế thì đệ tử của hòa thượng đã khẳng định cụ chưa khi nào đến đây. Hay việc GS Trần Quốc Vượng mất. GS mất do bệnh lý và điều này ai cũng biết. Việc công nhân ngất xỉu, động kinh... chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên, đừng gán ghép với chuyện tâm linh.

Huyền thoại về “thánh vật”

Ngày 27-9-2001, đội thi công số 12 - Công ty Xây dựng VIC, do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, trong khi nạo vét sông Tô Lịch thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy - Hà Nội đã phát hiện được di vật cổ rất lạ.

Theo ông Cường thuật lại trên Báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần, đó là 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều, tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ đó. Ngoài ra còn phát hiện được tấm gỗ vàng tâm có bát quái, một số đồ gốm, xương voi, ngựa, dao, tiền đồng... Sau đó, nhóm công nhân đã rút những cọc gỗ đó lên, lấy các bộ hài cốt chôn tại nghĩa trang Bát Bạt-Hà Tây. Cũng theo ông Cường, sau sự việc trên, đã có nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra, đậm chất huyền bí.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo