Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đã nhổ bỏ toàn bộ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ. Trong ngày 22-1, tỉnh này bắt đầu tháo dỡ toàn bộ biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ trên tất cả các tuyến đường từ tỉnh lộ đến quốc lộ (QL).
Có bao nhiêu là nhổ hết
“Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ nhổ sạch các biển báo hạn chế tốc độ. Việc này chắc chắn sẽ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT” - ông Trí khẳng định.
Trong khi đó, ông Tiết Đinh Quang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, Cục Quản lý đường bộ II thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết đến ngày 21-1, cơ quan chức năng đã tháo dỡ tất cả biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ trên hệ thống QL từ Quảng Ngãi đến Bình Định. “Còn trên các QL được ủy thác cho Sở GTVT các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, chúng tôi đang phối hợp triển khai việc tháo dỡ này. Đến ngày 25-1, chúng tôi sẽ tháo dỡ xong trên tất cả các tuyến QL, kể cả hệ thống QL thuộc tỉnh quản lý” - ông Quang nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Tuân - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4, Cục Quản lý đường bộ III - khẳng định đã tháo dỡ toàn bộ những biển báo hạn chế tốc độ trên các tuyến đường mà chi cục quản lý. QL 14 có nhiều biển báo hạn chế tốc độ, nhất là đoạn qua đèo Lò Xo giáp ranh giữa huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Theo ông Tuân, trên tuyến có bao nhiêu biển báo là nhổ hết chứ chưa kiểm kê được số lượng cụ thể.
Rà soát kỹ rồi mới tháo biển báo
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các biển hạn chế tốc độ, chỉ dẫn tốc độ trên QL 1 đã được tháo bỏ từ trước ngày 22-1. Ông Nguyễn Văn Tuyên - Phó Chi cục Quản lý đường bộ III.3 thuộc Cục Quản lý đường bộ III - cho hay toàn tuyến QL 1 qua tỉnh Khánh Hòa có khoảng 40 biển báo hạn chế tốc độ dưới 60 km/giờ; QL 26 (đi Đắk Lắk) chỉ có 1 biển dưới 40 km/giờ hạn chế đối với xe giường nằm. Riêng QL 27C (Nha Trang - Đà Lạt) đoạn qua Khánh Hòa có 16 biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/giờ cần nâng lên 50 km/giờ. Việc thay biển báo sẽ do tỉnh Khánh Hòa thực hiện.
Về việc này, trong tuần tới, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa sẽ mời các đơn vị liên quan để họp bàn, rà soát lại hệ thống biển báo hạn chế tốc độ. “Mặt đường ở các tỉnh lộ không giống như QL, tốc độ thiết kế cho phép rất nhỏ nên phải rà soát, đề xuất tỉnh xem xét vì cần thiết phải bảo đảm an toàn giao thông. Ở các điểm nguy hiểm, không bảo đảm kỹ thuật thì cần lắp đặt biển cảnh báo, hạn chế tốc độ” - ông Nguyễn Văn Dần, phó giám đốc sở, nói.
Tại TP Đà Nẵng, Sở GTVT vẫn chưa tháo bỏ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ vì còn chờ xin chủ trương của UBND TP. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc tháo dỡ biển báo sẽ được thực hiện trước thời hạn quy định của Bộ GTVT. Sau khi tháo dỡ biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ sẽ thay bằng biển hiệu mới với nội dung “Đi chậm”.
Theo Sở GTVT TP HCM, sở đã đề nghị các đơn vị rà soát và tháo gỡ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ trên các tuyến đường do đơn vị quản lý. Ở những vị trí nguy hiểm, những điểm đen tai nạn giao thông cần thiết phải hạn chế tốc độ thì lắp thêm biển báo “Đi chậm”.
Riêng nhánh cầu A của cầu vượt Cát Lái (quận 2) vẫn giữ tốc độ tối đa cho phép 30 km/giờ để tránh lật xe. Đối với những tuyến đường có dải phân cách giữa phần đường dành cho ô tô và phần đường dành cho xe hỗn hợp như: QL 1, QL 22, đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… sẽ điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép phần đường hỗn hợp 50 km/giờ. Riêng QL 1 (đoạn từ vòng xoay An Lạc đến tỉnh Long An) đề nghị lắp biển báo với tốc độ tối đa 50 km/giờ.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, cho hay hiện tại chỉ còn một biển báo tốc độ 40 km/giờ tại vị trí đầu đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nằm phía quận 2 và đã tiến hành tháo dỡ. Bà Phương phân vân vì đây là vị trí nằm ngay khu vực nút giao gần Km0+500, giao hỗn hợp (tất cả các loại phương tiện kể cả xe thô sơ đều được đi vào khu vực này - PV) nên việc quy định tốc độ 40 km/giờ sẽ hạn chế được tai nạn giao thông.
Lo tạo đà cho xe
phóng ẩu
Nhiều người dân sống bên các tuyến tỉnh lộ, QL chưa được nâng cấp bày tỏ sự lo lắng khi cơ quan chức năng nhổ bỏ toàn bộ biển hạn chế tốc độ. Ông Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết hiện đang vào vụ thu hoạch mía, nhiều xe chở mía ở đây chạy bạt mạng trên QL 25, một khi không còn biển hạn chế tốc độ, cánh tài xế sẽ chạy khiếp hơn.
“Ở QL 1, đường mở rộng, lại có dải phân cách giữa nên nhổ biển hạn chế tốc độ là hợp lý. Nhưng ở những tỉnh lộ hay như QL 25, đường vẫn hẹp như xưa, không có dải phân cách mà nhổ bỏ biển báo thì cánh tài xế tranh vận chuyển mía chạy xe nguy hiểm lắm. Tiềm ẩn tai nạn chết người đó!” - ông Hiền nói.
Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an Phú Yên, cũng không thống nhất với việc nhổ bỏ tất cả biển báo hạn chế tốc độ trên các tuyến đường. Theo đại tá Lương, QL 1 đã được nâng cấp nên theo quyết định của Bộ GTVT sắp được ban hành sẽ nâng tốc độ chạy xe lên thêm khoảng 10 km/giờ. “Chỉ nhổ trên QL 1 và đường cao tốc, tức là những con đường đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn hệ số quốc gia cho phép vì ở những con đường này mà tốc độ thấp, trong khi mật độ giao thông dày thì dễ bị ùn tắc. Còn đường khác vẫn giữ bình thường, sao lại nhổ. Đường chưa nâng cấp, chưa bảo đảm về an toàn giao thông mà nhổ hết biển hạn chế tốc độ thì đe dọa đến an toàn giao thông” - đại tá Lương nói.
Đề cập đến ý kiến cho rằng sẽ nguy hiểm khi nhổ các biển hạn chế tốc độ ở những QL, tỉnh lộ chưa được mở rộng, nâng cấp, ông Võ Ngọc Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, không bình luận thêm mà chỉ nói đó là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. “Qua những khúc cua gấp thì mình lắp biển “Chạy chậm”, không xác định là bao nhiêu, miễn là chậm, bảo đảm an toàn giao thông là được” - ông Kha nói.
Các địa phương Quảng Nam, Cần Thơ, An Giang đã rà soát và cơ bản tháo dỡ xong toàn bộ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ trên các tuyến QL. Dù vậy, ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam, lo ngại tai nạn giao thông gia tăng tại một số vị trí sau khi tháo biển báo. “Có một số vị trí đáng ra không tháo dỡ nhưng chấp hành chỉ đạo nên chúng tôi phải thực hiện” - ông Khuê nói.
Ông Khuê lấy ví dụ một trong những điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi tháo dỡ biển báo là đoạn gần cầu Bà Rén - nơi giao nhau giữa đường DH5 của huyện Duy Xuyên và đường tránh QL 1. Trước đây, khi tuyến đường tránh QL 1 hoàn thành đi vào sử dụng, địa điểm này trở thành “điểm đen” với hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong đó, có nhiều vụ tai nạn xảy ra do các phương tiện lưu thông nhanh trong khi người dân mất cảnh giác.
“Sau hàng loạt vụ tai nạn xảy ra, người dân và chính quyền huyện nêu ý kiến nên sau đó Ban An toàn giao thông tỉnh và Cục Quản lý đường bộ III thống nhất đặt biển báo giới hạn tốc độ dưới 40 km/giờ tại khu vực này. Hiện nay, nếu như các phương tiện lưu thông với tốc độ 60 km/giờ vẫn rất nguy hiểm” - ông Khuê lo lắng.
Phải hoàn thành trước 30-1
Tổng cục Đường bộ hôm 20-1 đã có văn bản gửi các Sở GTVT, các cục quản lý đường bộ về việc rà soát, điều chỉnh biển báo hạn chế tốc độ trên đường bộ.
Đối với các biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tháo bỏ ngay trên toàn hệ thống đường bộ (kể cả các đoạn tuyến đang sửa chữa); trường hợp cần thiết thì lắp đặt biển báo đi chậm hoặc biển hạn chế tốc độ lớn hơn và kết hợp cảnh báo khác. Trong trường hợp đặc biệt về điều kiện kỹ thuật chưa kịp xử lý mà phải sử dụng biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ thì phải có hồ sơ thuyết minh, giải trình gửi Tổng cục Đường bộ giải quyết. Thời gian hoàn thành trước ngày 30-1.
Bình luận (0)