Trả lời câu hỏi về nguyên nhân gây đổ tháp truyền hình, ông Trần Anh Tú nói: “Do bão vào trong thành phố đột ngột đổi gió với cường độ cực mạnh (gió giật trên cấp 12), mạnh hơn dự báo ban đầu nên tháp không thể chống chọi được”.
Ông Tú cũng cho biết, tháp truyền hình tỉnh Nam Định do Công ty TNHH MTV công trình Vietel đảm nhận thi công trong vòng 7 tháng, được làm bằng khung thép do Malaysia sản xuất, khánh thành năm 2010 và đã hết hạn bảo hành được hơn 1 năm. Tháp này được thiết kế chịu được bão cấp 12 trở xuống.
Ông Tuấn cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tỉnh Nam Định tiến hành khắc phục sự cố đổ tháp, sớm tiếp sóng truyền hình trở lại cho người dân trong khu vực.
Trước đó, sau tiếng nổ lớn vào khoảng 20 giờ 40 phút ngày 28-10, tháp truyền hình cao 180 m ở gần khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đã bị đổ gục xuống trong cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh), làm mất sóng truyền hình toàn khu vực. Tháp truyền hình bị đổ gãy khoảng 4/5 chiều cao tháp, vị trí gãy cách đỉnh tháp khoảng 150m, đường kính của các đoạn trụ ống gãy khoảng 35cm.
Ngoài ra, theo thống kê mới nhất của Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, do ảnh hưởng của bão, có khoảng 500 cột điện cao thế bị đổ nghiêng, 500 cột điện hạ thế cùng nhiều hệ thống đường dây bị đứt, hư hại... với ước tính thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng.
Ngành bưu chính viễn thông có 31 cột thu phát sóng và 19 tuyến cáp quang bị đứt, hư hỏng nặng với tổng thiệt hại lên tới khoảng 300 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp ước tính thiệt hại 252 tỉ đồng, ngành thủy sản nuôi nước lợ thiệt hại 50 tỉ đồng.
Toàn tỉnh có 2 người chết là ông Nguyễn Văn Toán (xóm 24 Hải Đường, huyện Hải Hậu) và bà Tuyết (62 tuổi, Thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy). Ngoài ra có 3 người bị thương ở 2 huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng.
Tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, sau khi cơn bão số 8 đi qua, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục những thiệt hại để ổn định đời sống cho nhân dân. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, tính đến 11 giờ 30 phút trưa 29-10, Trong tỉnh không có thiệt hại về người do bão gây ra.
Tại Ninh Bình, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao động, do mưa to kèm theo gió giật mạnh, đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà, cây cối bị quật đổ khắp nơi. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại cụ thể, tuy nhiên thống kê sơ bộ cho thấy, bão số 8 đã làm đổ 10 ngôi nhà, hơn 1000 lều, trai của nhân dân bị thổi bay hoặc tốc mái.
Riêng tại huyện Kim Sơn, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có 5 ngôi nhà bị sập, hơn 150 nhà tốc mái, 130 cột điện bị gãy đổ. Hệ thống điện đã bị cúp tại khu vực Kim Sơn từ ngày 28 đến sáng nay vẫn chưa khôi phục được. Tuy nhiên, Ninh Bình không có thiệt hại về người.
Lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đã chỉ đạo các lực lượng bộ đội, công an, chính quyền các địa phương, các ban ngành, cùng với nhân dân tiến hành khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, để ổn định cuộc sống.
Ngay trong sáng 29-10, nhân dân đã tiến hành thu dọn cây ngã đổ, lợp lại nhà bị tốc mái. Học sinh tại 2 huyện Nga Sơn, Kim Sơn sáng nay vẫn đi học bình thường, không phải nghỉ học.
Ngành điện lực của hai địa phương cũng đang tích cực dựng lại cột điện, kéo lại hệ thống dây và khắc phục các sự cố để có thể cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.
Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tính đến 7 giờ ngày 29-10 ở khu vực ven biển Bắc Bộ phổ biến trong khoảng 100 – 200 mm, một số nơi trên 300 mm như Quảng Hà - Quảng Ninh (375 mm), Cửa Cấm - Hải Phòng (334 mm), Văn Lý - Nam Định (330 mm), TP Thái Bình (404 mm), các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến 50-100 mm.
Bình luận (0)