Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra làm rõ sai phạm xảy ra tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị gây thất thoát ngân sách.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 31-10-2011, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định giao Sở TN-MT tỉnh làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 2 trạm quan trắc khí tự động di động và nước tự động di động với tổng giá trị gần 29 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường.
Đến ngày 22-2-2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk ký hợp đồng mua thiết bị với Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Hà Nội). Hợp đồng ghi rõ thiết bị do MCZ (Đức) sản xuất. Sau khi lắp đặt, ngày 28-11-2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu và chi trả cho Công ty CP Tiến bộ Quốc tế 16,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, dù đã nghiệm thu nhưng đơn vị bán hàng chỉ mới cung cấp được 44/59 bộ phận của thiết bị 2 trạm quan trắc. Bên cạnh đó, có tới 22/44 thiết bị không đúng nhãn của nhà sản xuất MCZ, 12/44 thiết bị không có nhãn mác. Ngay cả 2 ô tô chở trạm cũng không đúng loại xe ghi trong hợp đồng… Vì việc này, gần 2 năm qua, 2 trạm quan trắc vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu thiết bị và không đồng bộ.
Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho biết việc đàm phán, ký hợp đồng mua sắm các thiết bị trên do giám đốc tiền nhiệm thực hiện. Tin tưởng vào hồ sơ trước đó và nghĩ đối tác là công ty lớn, có uy tín nên khi nhận nhiệm vụ (tháng 4-2013), ông Lam chỉ ký nghiệm thu. Khi biết máy móc không đồng bộ, ông Lam đã gửi công văn yêu cầu đối tác khắc phục. Hai bên cũng đã 2 lần mời chuyên gia từ Đức đến nhưng vẫn không khắc phục được.
“Nếu hết tháng 5, họ không khắc phục hết các vấn đề, máy móc vẫn không vận hành được thì sở sẽ trình UBND tỉnh xin phép trả lại các thiết bị” - ông Lam nói.
Ngoài vụ việc bị cho... “leo cây” này, theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk còn dính một vụ tương tự. Khi đó, sở làm chủ đầu tư dự án công trình kè chống sạt lở bờ sông Krông Kmar bằng nguồn vốn thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu (gọi tắt là Công ty Sông Hậu, đóng tại Hà Nội) trúng 1 gói thầu với tổng số vốn gần 20 tỉ đồng.
Trong quá trình đấu thầu, Công ty Sông Hậu đã gửi 2 thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Nội với số tiền 2 tỉ đồng theo quy định. Do vậy, ngày 30-5-2014, công ty này đã tạm ứng trước 2 tỉ đồng kinh phí xây dựng.
Thế nhưng, sau gần 1 năm được ứng tiền, Công ty Sông Hậu vẫn không triển khai thi công, buộc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk phải cắt hợp đồng. Ngày 18-8-2015, khi sở có văn bản gửi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Hà Nội đề nghị thu hồi tiền tạm ứng theo 2 thư bảo lãnh thì mới biết đây là thư bảo lãnh giả mạo, không có giá trị thanh toán!
Điều đáng nói là với những sai sót quản lý dẫn đến thất thoát ngân sách đầu tư công trình như thế nhưng việc xử lý trách nhiệm không tới đâu. “Đơn vị đang cùng cơ quan chức năng tập trung khắc phục hậu quả nên chưa làm rõ được trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan” - ông Bùi Thanh Lam nêu lý do.
Bình luận (0)