Sáng 17-8, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM và lãnh đạo các sở, ngành đã đến kiểm tra tình hình xử lý rác tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (gọi chung là Khu Liên hợp Đa Phước; huyện Bình Chánh, TP HCM) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Nâng công suất tiếp nhận
Thời gian qua, người dân huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 7 phản ánh về tình trạng mùi hôi phát tán từ khu vực xử lý chất thải ở Đa Phước. Khu vực này có diện tích 614 ha với 5 đơn vị đang hoạt động để xử lý rác, bùn, chất thải nguy hại… Trong đó, Khu Liên hợp Đa Phước của VWS lớn nhất, diện tích phục vụ xử lý chất thải là 128 ha.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện VWS khẳng định đã và đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục môi trường theo yêu cầu của Tổng cục Môi trường tại Quyết định số 121/QĐ-XPVPHC ngày 5-6-2016. Thứ nhất là vận hành liên tục 3 hệ thống xử lý nước thải hiện hữu. Trong đó, nhà máy lọc nước thải mở rộng (MBR) dự kiến vận hành chính thức vào tháng 9 tới, nâng tổng công suất xử lý nước thải lên thành 6.280 m3/ngày. Thứ hai là đang xử lý lượng nước thải phát sinh và lưu chứa trong ô chôn lấp số 2, dự kiến đến tháng 5-2018 sẽ hoàn thành xử lý toàn bộ lượng nước thải lưu chứa trong ô chôn lấp này nếu MBR vận hành chính thức đúng thời gian mong muốn. Thứ ba là đã lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 2 cống xả thải theo quy định.
Ông Trần Vĩnh Tuyến (thứ hai từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND TP HCM và các sở, ngành kiểm tra Khu Liên hợp Đa Phước vào sáng 17-8
Theo đại diện VWS, chủ đầu tư này cũng đang thực hiện các biện pháp để xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của giai đoạn vận hành dự án xử lý chất thải, nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày.
Báo cáo về việc xử lý mùi hôi từ các bãi rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, thông tin đến năm 2024, TP sẽ đóng cửa bãi rác Đa Phước và tất cả bãi chôn lấp rác đóng trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Trong thời gian còn hoạt động, các đơn vị phải triệt để xử lý môi trường, không để mùi hôi phát tán ảnh hưởng đến các khu dân cư.
Lắp đặt hệ thống quan trắc
Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định Khu Liên hợp Đa Phước thực hiện hiệu quả 10 biện pháp kiểm soát mùi mà sở đã chỉ đạo. Điển hình như VWS đã điều chỉnh thời gian giao nhận chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày, từ 0-5 giờ, từ 9-17 giờ và từ 19-24 giờ; bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí thấp để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió; tăng cường nhân lực, thiết bị để hạn chế khu vực mở bãi và che phủ bằng lớp lót liner nhanh hơn sau khi chất thải được ủi và đầm nén; mua sắm, nhập khẩu thêm một số trang thiết bị máy móc chuyên dụng, máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng để khống chế mùi hôi… Bên cạnh đó, VWS cũng áp dụng biện pháp phun xịt posi-shell nhằm khống chế mùi; lắp đặt hệ thống phun sương trên cột cao bao quanh khuôn viên công trường nhằm hỗ trợ và ngăn chặn mùi phát tán từ bãi chôn lấp...
Đại diện VWS cho rằng hiện vẫn chưa có quy định nào bắt buộc nhà đầu tư phải lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tại các khu xử lý chất thải. "Tuy nhiên, vì sự an toàn cho chất lượng môi trường nên chúng tôi đã tự đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc không khí tự động để giám sát liên tục và chặt chẽ chất lượng môi trường không khí bên trong và bên ngoài khu liên hợp. Chúng tôi cũng đang thực hiện nhật ký ghi nhận phản ánh của người dân, đánh giá nguồn thông tin, hướng gió để kiểm chứng và điều chỉnh phù hợp" - đại diện VWS nói.
Không để mùi hôi phát tán
Sau khi đi kiểm tra thực tế và nghe các bên báo cáo, ông Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận những đóng góp của Khu Liên hợp Đa Phước trong xử rác cho TP hơn 10 năm qua, cũng như những nỗ lực của đơn vị này trong việc xử lý ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Bộ TN-MT và lãnh đạo TP. Ông Tuyến nhấn mạnh chủ trương, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo TP là phải tiến tới thay đổi công nghệ chôn lấp bằng công nghệ đốt rác tiên tiến. Do đó, song song với mở rộng công suất xử lý nước thải, chôn lấp rác, VWS cần tiếp tục đầu tư để sớm đưa nhà máy đốt rác công nghệ cao 1.500 tấn/ngày vào hoạt động. "Sở TN-MT tiếp tục kiểm tra, phối hợp với VWS trong việc giám sát quan trắc môi trường, không để ô nhiễm, mùi hôi phát tán trong suốt quá trình xử lý rác thải tại bãi rác Đa Phước" - ông Tuyến chỉ đạo.
Bình luận (0)