Cô gái trẻ trên có nickname Trang Phạm tung thông tin trên vào ngày 3-4 sau khi quá ấm ức vì bị chủ một quán phở trên đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) bắt trả 300.000 đồng cho 1 tô phở đùi gà, thêm 4 quả kê gà và 4 quả trứng non.
Trả lời với các cơ quan chức năng, chủ quán cho rằng giá đó là bình thường. Bởi một cái đùi gà thôi, bà đã bán 150.000 đồng, thêm 4 quả kê gà 100.000 đồng và 4 quả trứng non giá 50.000 đồng. Ai cũng có cái lý của mình và các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý chủ quán về việc này.
Tuy nhiên, không ít người biết thông tin trên đã giận dữ, cho đây là hành vi quá đáng của chủ quán.
Nguyễn Thành Long, một bạn đọc ở tại Hà Nội, bày tỏ: Không thể chấp nhận cái giá mà chủ quán đã tính. Tại Hà Nội có bao nhiêu là quán phở nhưng không ai thản nhiên “chặt chém” mạnh tay như thế. “Ngay cả gà ngon giá cũng khoảng 140.000 đồng/kg mà tính có mỗi cái đùi 150.000 đồng là quá đắt. Ai có thể chấp nhận được 4 quả kê gà có giá 100.000 đồng. Đây là cách buôn bán gian lận, lợi dụng sơ hở của khách hàng không hỏi giá mà thẳng tay thu tiền” - bạn đọc Long nói.
Chia sẻ với chị Trang Phạm, chị Thanh Thanh (bạn đọc ở TP HCM) nhận định kiểu bán hàng như trên vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Quán không treo bảng giá, khi nhìn thấy khách “sộp” là lập tức giở trò. Vài trăm ngàn đồng không phải là số tiền quá lớn nên nhiều người tuy ấm ức nhưng đành phải chấp nhận vì sợ tranh cãi với chủ quán sẽ bị người khác đánh giá keo kiệt. Chủ quán bắt thóp được khách hàng nên dửng dưng hét giá và ai cũng hiểu đây không phải lần đầu chủ quán giở trò. Với số tiền trên thì vào quán bán gà ăn cả con cũng đủ chứ nói gì là một tô phở.
Tô phở 300.000 đồng và quán phở - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Kênh 14
“Bất cứ nơi đâu, giá một tô phở cũng không quá đắt như thế. Giá như thế là bất thường và đáng tiếc, hiện nay kiểu bán hàng này cũng còn phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều chủ quán bất chấp, khi có cơ hội là sẵn sàng “siết cổ” khách hàng nhất là những khách hàng từ nơi xa đến. Họ cho rằng mấy khi khách trở lại nên lấy được đồng nào hay đồng ấy” - bạn đọc Trần Quý Lâm nhận xét.
Tuy vậy, cũng có không ít người “đồng cảm” với chủ quán. Họ cho rằng muốn ăn ngon nhưng quá tính toán mới có chuyện xảy ra. Thậm chí, ban đầu nhiều người còn không tin câu chuyện này có thật, cho rằng chị Trang Phạm cố tình đưa thông tin trên để câu “like”. Cũng có người phê phán nặng lời người đưa thông tin trên và xem đây là một kiểu bôi xấu Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc marketing của một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nước ngoài, cho rằng ở đâu cũng vậy, sẽ có những người buôn bán đàng hoàng và cả những người trục lợi khách hàng mọi lúc có thể. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, nếu buôn bán nhã nhặn, giá cả hợp lý thì sẽ nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Họ sẽ trở lại và giới thiệu người thân quen đến mua hàng.
Thực tế thì không riêng Hà Nội, thành phố du lịch Vũng Tàu cũng “nổi tiếng” với nạn “chặt chém” như vụ mâm cơm “bụi” giá 1,5 triệu đồng và mới đây là vụ 2 con ghẹ giá 700.000 đồng. Sau khi bị phản ánh, các quán này bị phạt hành chính và cái giá họ phải trả lớn hơn nhiều, đó là bị khách hàng tẩy chay.
“Sự trừng phạt của hành vi gian lận chính là bị khách hàng tẩy chay. Trong buôn bán, tiếng xấu đã một lần được gieo thì chủ quán khó làm được gì để lấy lại uy tín” - ông Nguyễn Văn Hải phân tích.
Bình luận (0)