Tôi vui lắm. Thật hạnh phúc, khi trở về chúng tôi được cả nước đón như người ruột thịt. Những cái bắt tay nồng ấm, những khuôn mặt rạng rỡ, những lời chia sẻ, thăm hỏi, cờ và hoa... Còn gì nói được nhiều hơn thế”. Trả lời chúng tôi, khi vừa bước xuống sân bay sau chuyến thi đấu dài ngày giải Robocon châu Á - Thái Bình Dương tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ngày 16-9, thạc sĩ Huỳnh Văn Kiểm, chỉ đạo viên đội giành giải vô địch BKPro, không giấu được xúc động. Và có lẽ đây là câu nói dài nhất trong những lần nói chuyện giữa thầy với chúng tôi, bởi thầy là người kiệm lời.
Người chồng “nhân dân”
Có lẽ người ta mới chỉ biết đến thầy Huỳnh Văn Kiểm như một nhân vật làm nên kỳ tích, 3 lần giành ngôi quán quân ở các cuộc thi robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng những đồng nghiệp ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM còn biết biệt danh mà cả khoa Điện - Điện tử thân thương đặt cho thầy Kiểm: người chồng “nhân dân”. Khi nghe hỏi về điều này, nhiều giảng viên của khoa Điện - Điện tử cười, rồi ví von: “Đầy tớ nhân dân như thế nào, thì người chồng nhân dân như... thế ấy”. Chúng tôi lại mang điều này đến hỏi cô Đỗ Thị Ngọc Khánh, vợ và cũng là đồng nghiệp của thầy Kiểm.
Xoa hai bàn tay ý chừng khó nói, cô Khánh kể: “Chồng tôi hay lắm. Đi chợ giỏi, nấu ăn ngon, dạy con tốt, quan tâm từng li, từng tí đến vợ con”. Quan điểm của thầy rất “hiện đại”: “Vợ cũng đi làm, mình cũng đi làm; mình là đàn ông, sức khỏe tốt hơn nên giúp vợ là chuyện bình thường”. Thầy Kiểm không nề hà cả chuyện rửa chén. Nhờ vậy, vợ thầy, cô Đỗ Thị Ngọc Khánh mới có thể đảm đương tốt công việc ở cơ quan: Chủ tịch Công đoàn kiêm trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM. “Dù chê tôi vụng, hay khen tôi “đào tạo” chồng tốt, tôi cũng rất thích biệt danh mà đồng nghiệp đặt cho chồng. Chúng tôi giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhau làm việc, ai về nhà trước, người đó làm công việc nhà”, cô Ngọc Khánh thổ lộ. Có lẽ vì thế, hai người đều được đồng nghiệp đánh giá rất cao về chuyên môn...
Một người thầy yêu nghề, yêu trường
Giản dị, ít lời, đôn hậu, ở thầy Kiểm người ta dễ dàng nhận ra tư chất sư phạm. “Nghề giáo đã tạo ra tôi, hay tôi có duyên với nghề... hình như là cả hai”. Năm 1977, anh sinh viên Huỳnh Văn Kiểm tốt nghiệp loại xuất sắc khóa 1972-1977 và được giữ lại làm giảng viên. “Thời đó, giáo viên khổ lắm... nhưng tôi yêu nghề, yêu trường nên không ra ngoài làm được.” Trường ĐH Bách khoa chứng kiến hết thảy mọi sự phấn đấu, học hỏi và cả chuyện hôn nhân của thầy.
Yêu mến ngôi trường mà mình có nhiều kỷ niệm, vợ chồng thầy Kiểm đã dùng tên trường để đặt tên cho con đầu lòng: Huỳnh Bách Khoa! Và khi đội Robocon BKPro vượt qua 19 đội tuyển khu vực châu Á -Thái Bình Dương, giành giải vô địch, công đầu thuộc về chỉ đạo viên nhưng thầy Huỳnh Văn Kiểm vẫn một mực: “Tôi may mắn vì đã... rơi vào Trường ĐH Bách khoa, và may mắn được làm việc với BKPro!”. Nói về người đồng nghiệp của mình, PGS-TS Phan Thị Tươi, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thầy Kiểm nói ít, làm nhiều.
Đội tuyển BKPro trở về trong vinh quang (Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 14 giờ ngày 16-9). Ảnh: Ng.Hữu |
Một nhà giáo ưa thực nghiệm, say mê tìm tòi và tự học.” Quả vậy, từ hồi còn là sinh viên, thầy Kiểm đã “tự tiện” nhờ anh trai gửi những linh kiện từ Canada về để chế tạo robot. Sau đó, thầy tiếp tục nghiên cứu, học hỏi từ tài liệu nước ngoài, cứ có cơ hội học hỏi chuyên môn về ngành điều khiển tự động ở đâu là thầy lại “khăn gói” lên đường. Năm 2005, thầy Kiểm đã tham dự một khóa đào tạo tại Nhật Bản về ngành này.
Một sinh viên xuất sắc, chưa chắc đã là một thầy giáo giỏi. Nhưng với thầy Kiểm, không có chiều ngược lại. Khi chúng tôi hỏi: “Trường phân công thầy Kiểm làm chỉ đạo viên cho đội BKPro?”, nhóm trưởng Lưu Anh Tiến cho biết: “Bọn em được quyền chọn thầy hướng dẫn cho mình, và nhóm em ngay từ đầu đã chọn thầy Kiểm”.
Không chỉ BKPro, mà những đội robocon vô địch năm 2002 (Telematic-BK3), năm 2004(FXR) cũng đều tin tưởng chọn người hướng dẫn là thầy Huỳnh Văn Kiểm. “Không chỉ đưa ra những giải pháp kỹ thuật, thầy Kiểm còn quan tâm đến cả những vui, buồn, khó khăn của từng sinh viên. Được làm việc với thầy, nhóm đã trưởng thành lên rất nhiều”. Cũng chính vì vậy, Tiến cho rằng: “Không có thầy, rất khó để... vô địch”.
Vừa hướng dẫn, vừa phản biện
Khác với luận văn tốt nghiệp, với đề tài của đội robocon BKPro, thầy hướng dẫn cũng chính là người phản biện. “Những gì chúng em vấp phải khi gặp các đội Nhật Bản, Malaysia 2, Thái Lan... đều đã được dự trù, tính toán trước” - Lưu Anh Tiến, người trực tiếp điều khiển robot trung tâm tại trận đấu gặp Thái Lan, cho biết. Và người lập ra bản dự trù, tính toán ấy không ai khác là thầy Huỳnh Văn Kiểm. “Tôi phải hình dung ra các đấu pháp mà các đội có thể sử dụng để bắt sinh viên phải tìm ra giải pháp”. Và 8 thành viên của đội đều gật đầu: “Những câu hỏi của thầy thực sự hóc búa, lắm lúc trí tuệ tập thể cũng... đau đầu”.
Sau phản biện, lại đến hướng dẫn; hướng dẫn tiếp nối phản biện. Thầy và đội BKPro như một thể thống nhất. Nhưng mọi chuyện không dừng ở “tập dượt”, những trận đấu mới là quyết định. Ba phút cho một trận đấu robocon, chiến lược tác chiến là rất quan trọng. Việc đội BKPro chọn cho mình chiến lược tác chiến “phòng ngự - phản công” có lịch sử rất “thầy Kiểm”, thành viên Phan Anh nói. Thầy Huỳnh Văn Kiểm đã phân tích tình hình thi đấu, cùng bàn bạc với đội tuyển: “Tổng tiến công có thể chiến thắng, nhưng rất dễ... thua nếu không có thời cơ”. Giải pháp này mạnh nhưng quá nhiều khe hở. Và đội đã quyết định đấu pháp “phòng ngự- phản công”.
Tự học từ thực tế
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng giảng viên chỉ biết dạy, thầy Kiểm rất gắn với xí nghiệp, gắn với thực tế. Nhiều doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc lại “kêu” thầy. Kể về thầy Kiểm, anh Lê Anh Kiệt, Giám đốc Công ty Chế tạo máy AKB, nói: “Tôi học thầy từ trên giảng đường và bây giờ vẫn phải học thầy khi ra sản xuất. Thầy làm tôi thực sự thấy mình còn kém cỏi”. Cũng chính vì gắn với thực tế, đội quân BKPro của thầy Kiểm đã “bất khả chiến bại” tại đấu trường châu Á - Thái Bình Dương.
“Nếu sinh viên nào nghĩ rằng học ở giảng đường là đủ thì rất khó tiến xa. Khả năng tự học mới là điều quan trọng” - thầy Kiểm nói. Và thầy cũng lấy bằng thạc sĩ ở chính ĐH Bách khoa TPHCM, chứ không phải ở nước ngoài. Việc tự học đã giúp thầy Kiểm đi xa. Và mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Chính phủ tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba cho người thầy làm nên hat-trick tôn vinh trí tuệ Việt Nam này.
30 bằng khen và 8 huy hiệu cho BKPro 13 giờ 20 ngày 16-9, đội robocon BKPro đã từ thủ đô Kuala Lumpur về đến sân bay Tân Sơn Nhất trong rừng cờ hoa chúc mừng của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đại diện ĐH Quốc gia TPHCM, Thành đoàn TP, Hội sinh viên TP và đông đảo sinh viên từ nhiều trường ĐH khác trên địa bàn TPHCM. Sau khi giao lưu với sinh viên tại sân bay, đoàn đã về dâng hoa báo công tại tượng đài Bác. Tiếp đó, các thành viên của đội tuyển đã tới Nhà Văn hóa Thanh niên để giao lưu trực tiếp với khán giả cả nước qua truyền hình. Được biết, đến nay đội tuyển đã nhận được 30 bằng khen và 8 huy hiệu từ Bộ GD-ĐT, UBND TPHCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia TPHCM, Thành đoàn TPHCM. Cũng trong ngày 16-9, kèm với bằng khen, huy hiệu, các cơ quan, đơn vị đã thưởng bằng tiền và học bổng cho 8 thành viên đội BKPro và tập thể Trường ĐH Bách khoa TPHCM với tổng trị giá là 990 triệu đồng và 2.080 USD. Đó là những phần thưởng hoàn toàn xứng đáng. |
Bình luận (0)