Giáo sư Hoàng Tụy sinh ra trong một dòng họ trí thức nho gia danh vọng lớn ở Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam.
Thuộc dòng họ cụ Phó bảng Hoàng Diệu
Ông bác (anh ruột ông nội) của giáo sư là nhà nho Hoàng Diệu (1832-1882) thông minh xuất chúng, đỗ Phó bảng năm 20 tuổi, về sau, được triều đình Huế bổ nhiệm làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Bắc Ninh) vào năm 1880. Chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ Hà thành, không đủ sức chống lại quân Pháp có súng ống tối tân, nhưng quyết không chịu để cho kẻ thù bắt sống, cụ đã tuẫn tiết bên cổng thành Cửa Bắc sáng 25-4-1882. Cụ được các văn thân yêu nước thời sau ca ngợi là “cựu lục thiên thu truyền tiết liệt” (sử sách ngàn thu còn truyền tiếng thơm tiết liệt).
GS Hoàng Tụy (bìa phải) tiếp chuyện nhà báo Hàm Châu. Ảnh: T.L
Truyền thống yêu nước thể hiện rõ qua cuộc đời nhiều người họ Hoàng ở Xuân Đài. Hai ông anh ruột của GS Hoàng Tụy là họa sĩ Hoàng Kiệt và GS Hoàng Phê đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Họa sĩ Hoàng Kiệt sớm qua đời. Còn GS Hoàng Phê thì từng giữ chức viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chủ biên nhiều bộ từ điển tiếng Việt. Em ruột của GS Hoàng Tụy là GS Hoàng Chúng từng giữ chức hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Lát cắt Tụy
Những năm 60 của thế kỷ XX, lý thuyết tối ưu trở thành một hướng toán học mới có nhiều ứng dụng. Nhưng khi ấy, các nhà toán học chỉ mới chú ý tới tối ưu địa phương, còn những bài toán tối ưu toàn cục thì được coi là quá khó! D. Dantzig, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, coi đó là những bài toán “khó về bản chất” (intrinsically difficult). Bởi thế, trước năm 1964, chưa ai trên thế giới thu được một kết quả nào đáng kể.
Thế rồi, Hoàng Tụy đến Phân viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Novosibirsk, trình bày tại hội thảo của L. V. Kontorovitch cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội. L. V. Kontorovitch là nhà toán học Liên Xô được tặng giải thưởng Nobel Kinh tế.
Kết quả ấy của Hoàng Tụy được công bố trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Công trình đưa ra một lát cắt độc đáo. Lát cắt thật giản dị nhưng lại có khả năng ứng dụng rộng, không chỉ đối với nhiều bài toán tối ưu toàn cục mà còn đối với những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phát minh ấy, về sau, được giới toán học thế giới gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), trở thành một kết quả kinh điển.
Hoàng Tụy được coi là nhà toán học khai sơn phá thạch mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”.
Định lý Hoàng Tụy, thuật toán kiểu Tụy và cuốn Kinh Thánh trong chuyên ngành
Năm 1972, Hoàng Tụy công bố công trình Tính không tương thích của bất đẳng thức tuyến tính trên tạp chí Toán học của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Định lý mới do Hoàng Tụy đưa ra được coi là ngang hàng với những định lý nổi tiếng của Farkas, Helley, Brouwer... và được giới toán học quốc tế nhắc tới nhiều và thường nêu lên những ứng dụng mới.
Những năm 80 của thế kỷ trước, lý thuyết tối ưu toàn cục phát triển mạnh. Trường phái Hà Nội (Hanoi School) do Hoàng Tụy đứng đầu, đóng vai trò nổi bật. Một nhà toán học nước ngoài có uy tín cho biết ông rất vinh dự và sung sướng khi được đặt chân đến “địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hóa” (world famous place in optimization). Nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Viện Toán học ở Hà Nội cũng coi đó là “một viện nổi tiếng”.
Nhiều lớp bài toán quan trọng nhất được Trường phái Hà Nội tập trung nghiên cứu và giải quyết thành công. Các lớp bài toán khác nhau được tiếp cận một cách hệ thống thông qua một bài toán chuẩn do Hoàng Tụy đề xuất. Thuật toán giải bài toán chuẩn được xây dựng thích hợp với từng bài toán gốc sinh ra nó. Các thuật toán khác nhau đó đều tuân theo một lược đồ tổng quát dựa trên phương pháp phân hoạch không gian theo kiểu “chia nón”, kết hợp với phương pháp “xấp xỉ ngoài” để nâng cao hiệu quả. Thuật toán chia nón (conical algorithm) rất nổi tiếng trong giới chuyên môn quốc tế hồi đó, về sau, được gọi là “thuật toán kiểu Tụy” (Tuy-type algorithm).
Cuốn sách toán tiếng Anh do Hoàng Tụy viết chung với Reiner Horst (CHLB Đức) Global Optimization-Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) dày 694 trang, được Nhà Xuất bản Springer - Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996. GS Hiroshi Konno, người Nhật Bản, nhận xét: Cuốn sách ấy “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ưu toàn cục” (was appreciated by many researchers as the Bible of global optimization) và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “được cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book).
Nổi tiếng trong giới toán học toàn cầu Năm 1990, TS Neal Koblitz, cựu sinh viên Đại học Harvard, giáo sư Đại học Washington, sang thăm Việt Nam. Trở về Mỹ, ông viết một bài báo dài 30.000 từ tiếng Anh, chiếm 19 trang tạp chí, kèm theo 10 bức ảnh, 1 tấm bản đồ và 3 biểu đồ, đăng trên tờ The Mathematical Intelligencer (Người đưa tin toán học). Đây là tờ tạp chí do nhà xuất bản lớn nhất thế giới về khoa học và kỹ thuật Springer - Verlag ấn hành. N. Koblitz đặt tên cho bài báo là Hồi ức về toán học ở một đất nước bị bao vây. Tác giả dành phần lớn bài báo để kể tỉ mỉ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà toán học Hoàng Tụy mà nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu toàn cục được coi là kinh điển, được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Bài báo lớn của một cựu sinh viên Harvard làm cho Hoàng Tụy càng nổi tiếng hơn trong giới toán học toàn cầu hơn 2 thập niên qua. Cho nên, thật là công bằng và hợp lý khi ông là người đầu tiên trên thế giới nhận Giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng năm 2011.
Bình luận (0)