Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đến cuối ngày 27-2, đã có thêm 523 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước. Trong đó, cùng ngày, có 83 lao động đã về đến sân bay Nội Bài lúc 8 giờ 55 phút trên chuyến bay thương mại của hãng hàng không Aeroflot số hiệu SO514 xuất phát từ Cairo (Ai Cập), 440 lao động từ Malta trên chuyến bay IPM1002 của hãng hàng không Imperial Airways đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 14 giờ 5 phút. Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước, đã có mặt tại sân bay để trực tiếp đón lao động trở về.
Các cơ quan chức năng làm việc với người lao động trở về từ Libya ở sân bay Nội Bài Ảnh: NGUYỄNQUYẾT
523 lao động trên được Công ty TNHH một thành viên Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại SONA đưa sang làm xây dựng tại sân bay quốc tế Tripoli (Libya) do Công ty Odebrecht của Brazil làm chủ thầu. Ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty SONA, cho biết trong tổng số 2.200 lao động do công ty đưa sang Libya làm việc, đến thời điểm này, đã có 544 lao động được đưa về Việt Nam. Còn khoảng hơn 500 lao động đã được di chuyển đến các nước lân cận để chờ chuyến bay đưa về Việt Nam.
Với khoảng hơn 800 lao động đang kẹt lại ở Libya, ông Thành khẳng định công ty đang tích cực phối hợp với chủ sử dụng lao động để sơ tán bằng đường hàng không, đường biển ra khỏi Libya. Theo ông Thành, đối với số lao động đã về nước, Công ty SONA thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ ngay mỗi lao động 1 triệu đồng và thêm 300.000 đồng/người làm chi phí tàu xe về quê.
Như vậy, tính đến 19 giờ ngày 27-2, đã có 830 lao động Việt Nam từ Libya được đưa về nước an toàn. Trong đó có 554 lao động của Công ty SONA, 175 lao động của Công ty Vinaconex Mec, 106 lao động của Công ty Lilama 10 và 5 lao động của Công ty Glo-Tech. Dự kiến đến sáng 28-2, có thêm 117 lao động về nước, trong đó có 67 lao động của Công ty Vinaconex Mec và 50 lao động của Công ty Letco. Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo Giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Bắc Phi và Trung Đông cho biết theo kế hoạch, đến ngày mai (1-3), sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya.
Đến 21 giờ (giờ Việt Nam) ngày 27-2, đã có 3.389 lao động Việt Nam đã được di tản khỏi Libya và trong số này, ngoài 830 lao động đã về nước, có 2.559 đang trên đường về hoặc đang chờ làm thủ tục về nước. Trong đó có 700 lao động của Công ty Việt Thắng đã được đưa sang Tunisia an toàn trong ngày 27-2 đang chờ làm thủ tục về nước.
Địa chỉ liên lạc khi cần thiết
Lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã làm việc với đại diện của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) tại Hà Nội và đề nghị IOM hỗ trợ, giúp đỡ cho những lao động Việt Nam vẫn đang còn ở Libya hoặc đã di chuyển sang các nước lân cận để chờ làm thủ tục về nước.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết trong quá trình di chuyển và làm thủ tục về nước, nếu gặp khó khăn, người lao động Việt Nam có thể liên lạc với các văn phòng chính của IOM tại các nước lân cận Libya dưới đây để được giúp đỡ: Tại Ai Cập: Văn phòng MRF Cairo (Middle East), điện thoại +20 2 23 58 00 11; tại Ý: MRF Rome (Mediterranean region): +39 06 44 23 14 28; tại Malta: Valletta: +356 21 37 46 13; tại Tunisia: + 216 71 860 312; tại Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara: +90 312.454 11 46. |
Bình luận (0)