Mật độ lưu thông dày đặc vào giờ cao điểm đã gây ra tình trạng kẹt xe ở khu vực ngã tư Thủ Đức một thời gian dài. Sau khi cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức đưa vào sử dụng đã giải quyết bài toán nan giải ở đây.
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP), cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức có tổng chiều dài 570 m, rộng 16 m cho 4 làn ô tô lưu thông 2 chiều, có tuổi thọ thiết kế 100 năm, tổng mức đầu tư 277 tỉ đồng. Công trình này đưa vào sử dụng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên trục đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc, nối liền TP HCM với các địa phương miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Nhờ giao thông ở đây thông thoáng, lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái, cảng Phước Long cũng không còn ùn ứ như những năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã đưa cầu vượt ngã ba Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu vào sử dụng nên toàn trục Quốc lộ 1 hướng từ ngã ba Vũng Tàu về TP HCM và ngược lại trở nên thông thoáng. “Từ khi có cầu vượt, tình hình giao thông ở đây đã bớt căng thẳng, người dân cũng an tâm vì ít bị kẹt xe trong những giờ cao điểm” - một người dân cho biết.
Không những hạn chế nạn kẹt xe, từ khi các cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức, ngã ba Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu đưa vào sử dụng cùng với việc mở rộng xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1 (đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã ba Vũng Tàu) đã kéo giảm đáng kể tai nạn giao thông.
Tương tự, Quốc lộ 1 (đoạn đi qua các quận Tân Phú và Bình Tân) trước đây cũng thường xuyên xảy ra “hỗn loạn” về giao thông và chỉ được giải quyết triệt để khi Sở GTVT TP đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép Hương lộ 2 - xa lộ Hà Nội.
Nhiều cầu vượt bằng thép khác cũng đã phát huy tác dụng như cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), bùng binh Cây Gõ (quận 11), Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Thành Thái (quận 10), Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Cùng với các công trình cầu vượt giải quyết ùn tắc giao thông, tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư cũng vừa được tiến hành thông xe một phần.
Theo đại diện VEC, khi đưa vào khai thác toàn tuyến vào tháng 2 tới, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, bảo đảm không ùn tắc ở một số tuyến đường huyết mạch của TP HCM và các địa phương lân cận. Khi đó, giao thông TP sẽ có bước chuyển đáng kể vì lượng xe lưu thông trên đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, xa lộ Hà Nội chuyển sang đi bằng đường cao tốc.
Bình luận (0)