1. NGƯỜI VIỆT CÓ CÂU TỤC NGỮ “Sống cái nhà, già cái mồ” nói về tầm quan trọng của nơi chốn ăn ở, sinh hoạt hay yên nghỉ của con người trọn một vòng đời. Và nếu hỏi sau mái nhà thì cái gì gắn bó rất mật thiết với cuộc sống đời thường của con người, xin nói ngay: CÁI CHỢ.
Ảnh: PHÙNG ANH TUẤN
63 tỉnh - thành, nơi nào cũng có một hoặc vài địa danh chợ nổi tiếng. Đất kinh kỳ Hà Nội - Thăng Long ngày xưa có tên Nôm là Kẻ Chợ, được mô tả là không gian sinh hoạt, buôn bán sầm uất, nhộn nhịp. “Rủ nhau đi khắp Long Thành. Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”, 36 phố phường Hà Nội là 36 Hàng. Mỗi Hàng có khác nào một chợ, độc đáo ở chỗ là chuyên về một mặt hàng hay dịch vụ, chẳng lẫn vào đâu được.
Sài Gòn – TP HCM có Chợ Lớn ai cũng biết. Tên cũ là Đề Ngạn, vốn là làng của người Minh Hương từ Trung Quốc sang khai cơ lập nghiệp vào khoảng thế kỷ XVII - XVII. Học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam từng kể trong các tác phẩm của hai ông rằng hồi ấy Chợ Lớn là một vùng biệt lập với đất Sài Gòn - Gia Định, mạnh về buôn bán. Sau khoảng năm 1776, người Hoa ở Cù Lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai bây giờ) chạy nạn nhà Tây Sơn, tụ tập thêm về đây nên Chợ Lớn ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Trong “Gia Định thành thông chí” (1820), Trịnh Hoài Đức miêu tả: “Cách trấn về phía Nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt ba đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ ba dặm”. Qua bao biến thiên thời cuộc, Chợ Lớn vẫn luôn là khu vực ăn nên làm ra của thương giới, nhất là người Hoa. Đó là cái “chợ” lớn nhất, tìm mua thứ gì cũng có; là khu ăn chơi - mà nói theo chữ nghĩa tân thời là ẩm thực, giải trí - nức tiếng nhất. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng cũng đã từng thừa nhận: “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi. Đi lên đi xuống đã đời du côn”.
Cũng rất riêng, chính đất Chợ Lớn là chiếc nôi nuôi lớn nhiều thương gia lẫy lừng khắp Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh thuở trước, còn lưu danh đến bây giờ. Mỗi người một nghề và họ đều rất siêu, như: Hứa Bồn Hoa (chú Hỏa), Quách Đàm, Lý Tường Quan (bá hộ Xường), Trần Ích, Trương Văn Bền, Lâm Thọ Vinh, Vương Đạo Nghĩa, Trương Vĩ Nhiên, Trần Thành, Lý Long Thân... Trong đó, “nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích” được cho là tứ đại gia nổi bật của khu vực phong nhiêu này.
Bây giờ, trước sự càn quét của cơn lốc trung tâm thương mại và siêu thị, 36 Hàng - tức 36 chợ truyền thống Hà Nội - vẫn đủ sức đương đầu và trụ vững, bởi nó gắn quá chặt với con người Hà Nội từ trong tâm tưởng. Một phần hồn vía thủ đô nằm ở đó, mất sao được! Cũng như vậy, cho dù chợ Bến Thành vẫn ngạo nghễ là biểu tượng của Sài Gòn - TP HCM nhưng Chợ Lớn mới là cái “chợ” đáng đặt chân nhất khi đến xứ này. Ai hỏi chợ truyền thống nào to nhất và khó suy suyển nhất Việt Nam, hãy mạnh dạn bảo: Chợ Lớn!
Ảnh: PHÙNG ANH TUẤN
2. YẾU TỐ TẠO NÊN SỨC SỐNG CỦA CHỢ TRUYỀN THỐNG LÀ GÌ? Đó chính là văn hóa. Văn hóa chợ được kết tinh từ tập quán ngàn đời của người Việt.
Chợ là nơi tụ hội. "Ồn như cái chợ", người ta hay nói vậy mỗi khi bực mình trước sự ồn ào nhưng thực ra, nội hàm của "ồn" chính là "đông" và "vui". Đông thì rõ rồi. Còn vui?
Vui bởi chợ là chỗ hàn huyên. Anh A. vừa trúng số, chị B. cấn bầu, ông C. trốn nợ, bà D. sắp cưới vợ cho con…, tất tần tật chuyện, chỉ cần bỏ dăm chục phút ghé chợ, là biết tuốt. Đó là nơi lắm điều nhất thiên hạ! Vào siêu thị, lặng lẽ và cô đơn trước các kệ hàng, lại vô ngôn bên tờ hóa đơn và quầy cashier điện tử…, dù tiện lợi đấy nhưng trong thẳm sâu, người Việt chẳng ưng. Ra chợ thì gặp mặt, chào nhau, tám chuyện, trả giá, thậm chí mắng mỏ nhau, nói chung là được tương tác một cách tối đa, vậy mới thích. Rồi được đem bao nhiêu là chuyện về nhà, kể lại bên mâm cơm gia đình. Đồ ăn thức uống cũng từ chợ, chuyện người chuyện đời cũng từ chợ, cả vui lẫn buồn, không chỉ trong bữa ấy, mà ngày sau, và hôm sau nữa. Mà đâu phải nhà nào cũng khá tiền nên có nhà đi chợ mỗi ngày hoặc cách nhật hoặc mỗi tuần. Có khi ra chợ mà chẳng mua gì hoặc mua cho có, đơn giản là vì cần thông tin nên phải đi. Thiếu chợ là không được, thèm lắm! Và cứ thế, rất tự nhiên, chợ theo chân người đi vào cuộc sống của họ, vào tập quán của họ, vào từng nếp nhà. Nếp nhà hay gia phong, đó chính là văn hóa. Nhiều thứ có thể mất đi, riêng văn hóa thì không thể mất.
Cũng chính vì những lẽ trên mà chợ đi vào tục ngữ, ca dao, văn thơ một cách vừa hồn nhiên vừa sang trọng. "Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm" là một câu tục ngữ đẹp, nhắc nhở tình chồng nghĩa vợ phải luôn son sắt. Đây nữa: "Anh về hái đậu trẩy cà. Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên". Lời sao mà hay, ý sao mà đẹp quá!
Người Huế tự nhận bài ca dao sau đây là của xứ mình: "Ru con, con théc cho muồi. Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh. Chợ Dinh bán áo con trai. Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim...". Dù hầu hết các địa danh đã nêu được xác định là ở Bình Trị Thiên nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng bài ca dao này thuộc về Hà Nội. Thôi thì đâu cũng được, điều đáng quý hơn cả là chất liệu "chợ" được đưa vào lời ru của mẹ, vỗ về giấc ngủ cho con; như theo bước chân con người từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Như thế, bằng chứng từ tục ngữ, ca dao đã cho thấy từ trong tâm thức, con người đã tự kết bạn với chợ, tự thừa nhận chợ là một góc của đời mình.
"Đầu đường xó chợ" là sự mô tả chua chát về hoàn cảnh lang thang, bất định, có phần lỗ mảng của con người. Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), người sáng lập đồng thời là cây bút chính của Tự Lực Văn đoàn, có truyện ngắn "Đầu đường xó chợ". Ông khái quát "đầu đường xó chợ" là một phần của xã hội bằng đúc kết ở cuối truyện: "Cái đời đầu đường xó chợ ấy ngay từ thuở còn nhỏ đã dạy cho tôi hiểu rằng: Muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì phải làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ, mà một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành một xã hội xấu xa". Bùi Giáng thì lạc quan hơn khi lồng ghép tình yêu vào thân phận lang bạt kỳ hồ: "Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ. Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau” (Anh vẫn tưởng). Còn Nguyễn Bính thì trong thi phẩm "Hành phương Nam" nổi tiếng, ông "biến" chợ thành nơi thi nhân mặc khách tao ngộ và nâng chén tiêu sầu: "Ta đi nhưng biết về đâu chứ? Đã dấy phong yên khắp bốn trời. Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ. Uống say mà gọi thế nhân ơi!".
Vậy là, qua ngòi bút văn nhân và thi sĩ, chợ được nâng tầm hẳn lên, ngời ngời. "Xó chợ cũng thương nhau", còn gì đẹp hơn thế!
Ảnh: PHÙNG ANH TUẤN
3. DÌ BỐN CỦA TÔI CẢ ĐỜI GẮN BÓ VỚI MẢNH ĐẤT QUÊ. Chợ sáng thì đi thật sớm để mua hàng tươi ngon và kịp về lo việc đồng áng. Chợ chiều thì tranh thủ giữa buổi tạt ngang, "đèo" theo mớ củi, xấp lá chuối, cặp gà để bán, rồi mua vài thứ cần thiết mang về. Chợ "chồm hổm" cách nhà không xa là chỗ để giải quyết nhanh những bữa ăn vội, trễ giờ.
Ngày trước còn cơ cực là vậy, bây giờ khấm khá hơn mà vẫn thế. Không đi chợ này cũng ghé chợ kia, vẻ như "nghiện" chợ.
Nhớ cái năm dì vào thăm tôi, lưu lại vài tuần, gọi là ăn Tết Sài Gòn. Tôi chỉ cho dì phụ mấy việc vặt trong nhà, chợ búa có người lo. Dăm bữa nửa tháng, dì đòi về quê. Tưởng dì ở riết trong nhà nên buồn, tôi lấy xe chở dì xuống trung tâm Sài Gòn cho khuây khỏa, vào Thương xá Tax cho biết. Mấy tấm áo quần đẹp, vài đồ gia dụng tiện ích đem về từ trung tâm mua sắm bề thế, xa hoa có tuổi đời hơn 120 năm ấy chẳng thể làm dì vui. Cũng lạ…
Một bữa, dì bảo: "Cho dì đi chợ!". Tôi hiểu.
Tôi đưa dì lên Bảy Hiền, ghé chợ Bà Hoa ở phường 11, quận Tân Bình, là "chợ của người Quảng Nam". Những ngày giáp Tết, chợ đông, hàng hóa đầy ăm ắp. Nhìn thấy mấy món quê quen thuộc như bánh tráng mè, đường bát, mì lá, bánh thuẩn, dầu phộng…, lại nghe tiếng đồng hương nói cười rổn rảng, mắt dì Bốn sáng trưng, cười phấn chấn. Tôi cũng thấy vui lây.
Dạo chợ cả tiếng đồng hồ, chân tôi đã mỏi mà dì Bốn chẳng mua gì. Tôi hỏi: "Rứa thì lên đây làm chi?". "Đi cho đỡ nhớ thôi. Lâu ngày, thèm chợ quá!".
Phải là người nhà quê mới hiểu được hai tiếng "thèm chợ" sâu lắng, thiết tha cỡ nào. Nó lý giải vì sao cách thức mua bán theo thời gian có thể đổi thay nhưng đặc trưng của chợ truyền thống trong đời sống người Việt mãi mãi trường tồn.
Đó là cái Tết xa quê duy nhất và cuối cùng của dì tôi. Giờ đây, Thương xá Tax cũ không còn, mỗi khi đi ngang chốn ấy, tôi lại nhớ đến dì. Nhất là giai đoạn chớm Xuân, mọi lần lên Bảy Hiền, tôi đều phải rẽ vào con đường Trần Mai Ninh (trước kia là Nguyễn Bá Tòng) ngang chợ Bà Hoa để lắng nghe nhịp chợ những ngày giáp Tết, để tìm lại trong hương xưa ngày cũ bóng dáng người thân năm nào.
Có lẽ đấy cũng là một kiểu thèm chợ, phải không?!
Bình luận (0)