UBND TP HCM vừa thông qua đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về việc xây nhà vệ sinh (NVS) công cộng trên địa bàn TP theo hình thức xã hội hóa. Dự kiến sẽ có hàng trăm NVS được gắn “sao” với các tiêu chuẩn: Kiến trúc hiện đại, trang thiết bị tiện nghi, bảo đảm mỹ quan đô thị, không thu phí, có khu vực dành riêng cho người khuyết tật... Cùng với kế hoạch đầu tư hơn 100 NVS đạt chuẩn của Sở GTVT, UBND quận 1 cũng lên phương án “thay áo” cho NVS trên địa bàn quận này.
Rải đều các quận, huyện
Trong danh mục kêu gọi nhà đầu tư của Sở GTVT, có hơn 112 NVS bố trí đều khắp các công viên, bến xe thuộc địa bàn 24 quận, huyện; thậm chí những huyện xa nội thành như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn cũng có kế hoạch lắp đặt NVS.
Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Tao Đàn, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
NVS không chỉ được lắp đặt tại các công viên, tiểu đảo và các bến xe lớn, nhỏ mà còn đặt tại nhiều tuyến đường gần bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm văn hóa và một số công ty lớn. Theo ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TP HCM, việc bố trí NVS rải đều trên địa bàn TP giúp người dân tiện sử dụng, phục vụ nhiều đối tượng như người tập thể dục, học sinh, sinh viên, khách du lịch, người khuyết tật... Sở GTVT TP đang kêu gọi nhà đầu tư, nếu triển khai sớm thì dự kiến từ nay đến năm 2015, hàng trăm NVS sẽ được đưa vào sử dụng.
Theo Sở GTVT TP, chủ trương xã hội hóa NVS được thí điểm thực hiện từ năm 2013 với 10 NVS cao cấp, đẹp mắt do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) xây dựng; đặt tại các công viên 23 Tháng 9, Gia Định, Lê Văn Tám, Tao Đàn, Bến xe Chợ Lớn và Bến xe Đầm Sen phục vụ miễn phí cho người dân. Sau thời gian sử dụng, hệ thống NVS đã phát huy hiệu quả tối đa. Dù vậy, còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự do nhiều đối tượng cố tình phá hoại, lấy cắp trang thiết bị, nội thất của NVS hoặc lấy cắp phương tiện của người sử dụng NVS. Thậm chí, có trường hợp đối tượng nghiện hút vào đây tiêm chích ma túy. Theo Sở GTVT TP, để hạn chế tình trạng này, sắp tới, NVS chỉ phục vụ từ 5 giờ đến 22 giờ; trừ các ngày lễ, Tết hoạt động 24/24 giờ và đơn vị đầu tư sẽ bố trí nhân viên quản lý.
Đánh giá về chất lượng NVS được đầu tư trong thời gian tới, một lãnh đạo của Sở GTVT TP cho biết mô hình NVS không gò bó theo khuôn khổ nào, tùy ý tưởng thiết kế của mỗi nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí chung. Kèm theo đó, Sở GTVT TP yêu cầu các nhà đầu tư khắc phục những hạn chế của 10 NVS thí điểm do người khuyết tật còn khó tiếp cận.
Nhiều tiện ích
Chỉ sau gần 1 tháng phát động cuộc thi thiết kế NVS, đến nay, UBND quận 1 đã phát ra hơn 80 hồ sơ tham gia dự thi, giải nhất 40 triệu đồng. “Đây là tín hiệu vui cho thấy bộ mặt trung tâm của TP không chỉ là những cao ốc, khách sạn hay đường phố khang trang mà đôi khi chính những tiện ích nho nhỏ nhưng không kém phần quan trọng là NVS mới là điều người dân quan tâm” - Phó Chủ tịch UBND quận 1, ông Lê Trương Hải Hiếu, chia sẻ.
Chủ đề mà ban tổ chức đưa ra là những NVS được thiết kế phải trân trọng và bảo vệ môi trường, có tính thẩm mỹ cao, trang thiết bị hiện đại, vị trí để xe hợp lý, có các dịch vụ đi kèm như bán hoa, thẻ điện thoại, quà lưu niệm, báo chí... nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Về NVS đang sử dụng trên địa bàn quận 1, ông Hiếu cho biết hiện nay, tại các công viên và vỉa hè đang tồn tại NVS dạng cố định, tự động và composite. Tuy nhiên, các NVS đều có mẫu mã xấu, không tiện nghi nên người dân ngại vào, thậm chí là “sợ” vì chưa bảo đảm an toàn. Để khắc phục, UBND quận 1 quyết định tổ chức cuộc thi thiết kế NVS.
Theo UBND quận 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đang quản lý 23 NVS đặt tại một số công viên, giao lộ, trên vỉa hè... Do đó, sau khi chọn được mẫu mã thiết kế, quận 1 sẽ thay thế 23 NVS cũ bằng NVS tiêu chuẩn mới. Theo ông Hiếu, những vị trí chọn đặt NVS là nơi thường xuyên tập trung du khách tham quan cũng như người dân đi lại, vui chơi vào những dịp lễ, Tết. “Kinh phí xây dựng 23 NVS do một đơn vị tài trợ. Khi chọn được mẫu thiết kế, quận 1 sẽ triển khai xây dựng ngay để đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán 2015” - ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết.
Nhà vệ sinh cũ bị chê
Thống kê của Sở GTVT cho thấy TP HCM hiện có khoảng 208 NVS được bố trí trên các tuyến đường, công viên, bến xe, chợ, tập trung chủ yếu ở quận 1 và 3, có thu phí hoặc miễn phí. Hầu hết các NVS đang trong tình trạng xuống cấp, không đạt chuẩn, bố trí không hợp lý, bán kính phục vụ không đồng đều. Đó là chưa kể tình trạng mất vệ sinh, bốc mùi tại nhiều NVS khiến người dân e ngại, không dám sử dụng.
Bình luận (0)