Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT), hiện có đến hàng trăm điểm xung yếu tại các tuyến đê, kè ở nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có nguy cơ sạt lở, sụt lún, thậm chí có thể vỡ nếu không có biện pháp gia cố, xử lý kịp thời.
Người dân lo lắng
Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, hàng chục hộ dân ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm nơm nớp lo sợ khi nước lũ đã cuốn trôi một phần móng nhà của nhiều hộ dân ở đường Bạch Đằng. Tại ngôi nhà cấp 4 (tổ 82, ngõ 639, đường Bạch Đằng) của gia đình chị Phạm Thị Sen, một phần móng đã bị nước cuốn sâu vào bên trong cả mét, chiều dài tới 3-4 m, phần còn lại đang nằm chênh vênh, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Đúng nửa đêm, cả nhà bị đánh thức bởi tiếng động như “hà bá” sắp nuốt trôi căn nhà” - chị Sen kể lại.
UBND phường Chương Dương cho hay cả phường có 49 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 6 hộ cần phải di dời khẩn cấp nhưng địa phương chưa có kinh phí thực hiện. Ông Lê Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương, kể: “Chính quyền địa phương chỉ còn biết khuyên người dân chủ động tìm nhà người quen để tá túc”.
Từ đầu tháng 7-2012 đến nay, hàng chục hộ dân tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên phải sống trong lo sợ lũ cuốn trôi nhà bất cứ lúc nào. Anh Nguyễn Bá Dũng (ngõ 405, tổ 38, phường Ngọc Thụy) cho biết ngôi nhà của gia đình anh vừa bị sạt lở cách đây mấy ngày nên phải dùng đất và tre để gia cố. “Đêm đến, chỉ còn tôi ở lại coi nhà. Nếu tiếp tục sạt lở, chắc phải di dời thôi”.
Sạt lở khắp nơi
Trong buổi kiểm tra các trạm bơm tiêu, kè trên địa bàn 2 huyện Phú Xuyên và Thường Tín vào chiều 6-8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái và đoàn kiểm tra đã chứng kiến kè An Cảnh (xã Chương Dương, huyện Thường Tín) dài 1.000 m nhưng mới kè hộ chân được 200 m nên còn nhiều điểm nguy hiểm.
Trước đó, tại đê tả Đáy thuộc địa phận xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa - Hà Nội cũng xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng. Khu vực này hiện còn 450 m dưới chân đê có nguy cơ lún sụt cao. Sạt lở nghiêm trọng cũng vừa xảy ra ở bãi sông giữa mỏ hàn số 2 và số 3 dài khoảng 280 m tại đê hữu Hồng, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì - Hà Nội. Mới đây, mưa lũ cũng làm sạt lở, gây lún sụt đê thượng lưu, đê tả Đuống tại vị trí giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 6-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng tại cụm công trình đầu mối Tắc Giang, tỉnh Hà Nam, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê tả sông Hồng. Trước đó, rạng sáng 1-8, chân cụm công trình đầu mối Tắc Giang xuất hiện tình trạng nước thấm qua thân và nền đê, tạo mạch sủi phía hạ lưu làm sụp một căn nhà.
Thiếu kinh phí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Diệu cho biết theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão, hiện có hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún… ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước hiện không đủ để xử lý triệt để toàn bộ nguy cơ. “Nếu lơ là, không chủ động các phương án hộ đê, bảo vệ kè theo phương châm 4 tại chỗ, xử lý kịp thời những sự cố đê điều thì hậu quả sẽ rất khó lường” - ông Diệu cảnh báo. |
Bình luận (0)