“Diệt bọ gậy (lăng quăng) thì sau đó dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng lên. Đáng lẽ diệt xong, dịch phải giảm chứ. Vì vậy, cần phân tích kỹ các nguyên nhân lây lan bệnh SXH” - PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, nêu ra tại hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh SXH khu vực phía Nam tổ chức ở TP HCM ngày 28-8.
25.000 ca mắc bệnh
Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 25.000 ca mắc SXH, trong đó 16 trường hợp tử vong. Phía Nam đang báo động nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này do vào mùa mưa. Nhiều địa phương đã trở thành điểm nóng của bệnh SXH như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang... Các nơi này có nhiều KCN, số người ở nhà trọ đông và chật chội, có nhiều dụng cụ chứa nước đọng… là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.
BS Trần Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết 10 năm qua, Đồng Nai (hiện có gần 3.500 ca mắc) thuộc “tốp 3” dẫn đầu số ca mắc SXH trong 20 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có ổ bệnh ở TP Biên Hòa nhưng chưa thể xử lý triệt để. Khó khăn nhất, theo BS Hoàng, ở đây địa bàn phức tạp, hàng trăm nhà trọ, công trình bỏ hoang, xây dựng dang dở… là điều kiện cho muỗi phát triển. “Đa số người dân đến đây mưu sinh nhưng thờ ơ với dịch bệnh, không hợp tác với cơ quan y tế. Nhiều khi lực lượng đến phun thuốc diệt muỗi, họ đóng cửa không cho vào” - BS Hoàng nêu thực tế.
Những phát hiện mới về sự lây lan của muỗi gây SXH được công bố tại hội nghị khiến không ít người quan ngại. Đó là những hố ga chứa nước vốn có khắp nơi ở các đô thị đang là nơi sinh sôi muỗi gây bệnh nhưng cơ quan chức năng chưa thể xử lý.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đang vất vả chống chọi với SXH, hiện có khoảng 1.000 ca mắc bệnh. Theo BS Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, càng phòng chống, SXH càng tăng bởi các hố ga đã trở thành “tổ ấm” cho lăng quăng, muỗi sinh trưởng. Tỉnh hiện có khoảng 10.000 hố ga, mỗi hố chứa đến 80 lít nước. Dù có phun hóa chất diệt muỗi nhưng lăng quăng vẫn còn thì việc phòng chống SXH như muối bỏ biển.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, việc xử lý lăng quăng ở các hố ga có thể học kinh nghiệm của Singapore bởi họ đã xử lý thành công cách đây 10 năm.
Không được thờ ơ
Theo một số địa phương, vấn đề cần quan tâm là tình trạng kháng hóa chất của muỗi gây SXH khiến công tác phòng chống dịch bệnh thêm khó khăn, tốn kém. Đại diện tỉnh Sóc Trăng cho rằng việc phun hóa chất diệt muỗi gây SXH chưa hiệu quả, có hiện tượng muỗi kháng hóa chất. Cụ thể, tại một ổ bệnh SXH ở thị xã Vĩnh Châu hiện có 500/700 ca mắc SXH toàn tỉnh Sóc Trăng, sau khi phun hóa chất nhưng muỗi không bị diệt.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, lâu nay hóa chất và phác đồ phun xịt phòng bệnh SXH thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Trước đây, ông cũng từng nghe có hiện tượng hóa chất diệt muỗi kém chất lượng tại một số địa phương. Hiện nay, hóa chất diệt muỗi do địa phương tự trang bị nên cần làm rõ hiệu quả sử dụng, kiên quyết yêu cầu nhà cung cấp xét nghiệm chứng minh chất lượng. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng có thể nhiều nơi chưa thực hiện đúng kỹ thuật diệt muỗi như pha hóa chất sai tỉ lệ, thời điểm phun xịt không phù hợp…
Theo Bộ Y tế, hiện địa phương nào cũng than khó về nhân lực, kinh phí, sự hợp tác của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh. “Không riêng SXH, người dân thờ ơ trong phòng dịch là có thật. Thế nhưng, trách nhiệm của ngành y tế là phải làm vì sức khỏe người dân chứ không thể lơ là” - ông Nga nhấn mạnh.
Bình luận (0)